02/04/2012 2:35 AM
Ngày 30/3, tại hội thảo "Tìm vốn cho bất động sản" do tập đoàn FLC tổ chức, nhiều chuyên gia đã có những đánh giá thẳng thắn và gợi mở hướng đi tìm vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Huy động vốn bất động sản từ nhiều kênh
Phối cảnh Khu ĐTM Phước An, tỉnh Đồng Nai tại triển lãm Bất động sản quốc tế 2011 tại Hà Nội. Images: Hải Linh
Hội thảo đi trúng tâm lý của giới đầu tư kinh doanh đất, nhà ở thời điểm này, bởi đây là bài toán nan giải nhất với doanh nghiệp.


Hậu quả từ thiếu cạnh tranh


Sau một thời gian đóng băng, giá nhà, đất giảm liên tục. Đến nay, nhiều nhà đầu tư khẳng định, đã giảm giá hết cỡ trong khi người dân vẫn đang chờ giá xuống thấp hơn, nên thị trường bất động sản thiếu vốn, nhiều dự án bị dừng tiến độ. Giải thích cho hiện tượng này, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, đây chính là hậu quả của thời gian dài thị trường bất động sản không tập trung vào việc cạnh tranh giá cả, khi nhu cầu còn cao.


Tuy nhiên, áp lực vốn trực tiếp lên các nhà đầu tư ở Hà Nội không cao so với TP.HCM. Theo số liệu nghiên cứu, tại Hà Nội, 60% vốn được huy động từ kênh người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong khi TP.HCM, nguồn vốn huy động từ nguồn tín dụng chiếm khoảng hơn 80%.


Ở góc độ chủ đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC Group cho rằng, việc giá bất động sản ở Việt Nam tăng nhanh những năm gầy đây và đứng ở mức cao so mặt bằng thu nhập của người dân là bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến lãi suất vay, giá nguyên vật liệu, dich vụ xây dựng, thuế, phí… tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu minh bạch và không được kiểm soát tốt của thị trường bất động sản khiến tình trạng đầu cơ, thao túng, làm giá nhà đất diễn ra phổ biến. Nhà, đất dự án bị đẩy qua nhiều kênh phân phối, mua bán lòng vòng trước khi đến tay khách hàng có nhu cầu khiến giá cả cũng bị đội lên. "Những lý do đó, khiến cho trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn do dự, chưa chịu mở túi tiền của mình mua nhà để ở hay đầu tư, từ đó khiến dòng vốn cho bất động sản bị ảnh hưởng không nhỏ" - ông Quyết nói.


Mở nhiều kênh


Nói đến nguồn tín dụng, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia giải thích, khó khăn hiện nay là việc nguồn tín dụng vẫn là nguồn cung chủ yếu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nói đến ngân hàng thương mại, có thể hiểu rằng chủ yếu là vốn ngắn hạn trong khi đầu tư bất động sản đòi hỏi trung và dài hạn. Vì thế, nếu nói vốn ngắn hạn của ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản, tất yếu sẽ hàm chứa rủi ro thanh khoản cho cả doanh nghiệp và cho cả ngân hàng. "Nếu chỉ loanh quanh giải quyết vốn cho thị trường bất động sản sẽ không bao giờ tìm được vốn. Thay vào đó, một mặt là vốn, có thể từ chính doanh nghiệp bất động sản hoặc các kênh bên ngoài, nhưng mặt khác là chính sách. Nếu không đồng bộ hai vấn đề này mà chỉ đòi hỏi vốn không, tôi cho là rất khó" - bà Mùi nhận định.


Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp thông tin cho người mua. Nếu thông tin trên thị trường bất động sản vẫn thiếu công khai, minh bạch, dẫn đến lòng tin của người dân không những cải thiện mà sẽ giảm đi. "Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng được cơ chế, chính sách cho thị trường, vừa quản lý, giám sát vừa tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thuận lợi theo hướng sang lọc, loại bỏ các doanh nghiệp có năng lực yếu kém" - bà Mùi khuyến nghị.


Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng, nếu các doanh nghiệp bất động sản vẫn thụ động trông chờ vào chính sách "bao bọc" từ Nhà nước, sẽ sớm phá sản. Nội lực của doanh nghiệp bất động sản nội dường như đã cạn, cùng với việc thay đổi chiến lược kinh doanh đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, huy động vốn từ các quỹ đầu tư, thì giờ là lúc phải tính đến khơi thông dòng vốn ngoại. Nếu cứ loanh quanh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau kể cả có mua bán, sáp nhập xong cũng khó vực dậy. Chẳng lẽ công trình đắp chiếu 10 - 15 năm sau đợi khi có vốn làm tiếp?



Một số chuyên gia cho rằng, huy động vốn cho bất động sản sẽ không còn là chuyện quá khó nếu biết chọn đúng con đường. Thứ nhất, tháo gỡ vướng mắc trong cho vay của ngân hàng đối với kinh doanh bất động sản. Thứ hai, cần "chứng khoán hóa" các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Thứ ba, hình thành quỹ đầu tư tín thác cho thị trường bất động sản. Thứ tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.


Theo KTĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.