01/07/2017 9:50 PM
Đẩy mạnh xuất khẩu vàng để tái tạo ngoại tệ cũng là một trong những giải pháp khả thi để chuyển hóa vàng trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.
Thế nhưng, thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên phải chịu thuế suất 2% đang là một trong những nguyên nhân chính cản trở hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN sản xuất, kinh doanh vàng Việt Nam.
Nguồn lực vàng trong dân còn lớn
Trong nhiều năm qua, VN đã chi ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này chẳng đáng bao nhiêu. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 400-500 tấn. Thậm chí, Hội đồng vàng Thế giới (WGC) còn ước tính lượng vàng trong dân VN khoảng hơn 1.000 tấn.
Trước bối cảnh này, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được đưa ra.
Tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu NHNN nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động nguồn vàng trong dân phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Và kết luận phần thảo luận kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN bên cạnh bảo đảm tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch (18%) với cơ cấu hợp lý, thì cần xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân.
Trong khi đó, huy động vàng trong dân luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro do giá vàng biến động liên tục, khó lường. Bởi vậy, đến nay NHNN vẫn giữ quan điểm huy động vàng trong dân thông qua quan hệ mua bán. Tuy nhiên, với quan điểm đó, thì lượng vàng trong dân, nhất là dưới dạng vàng miếng, mới chỉ chạy tuần hoàn giữa DN và người dân, chứ chưa được sử dụng làm vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Bởi vì, giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng quốc tế khoảng hơn 2.000.000đ/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 5.000.000 đồng/lượng.
Do đó, việc nghiên cứu thực hiện các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân cho sản xuất, kinh doanh đang là một nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
Xuất khẩu vàng để tái tạo ngoại tệ
Khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với bài toán huy động nguồn lực vàng trong dân, thì có một giải pháp chuyển hóa vàng trong dân rất khả thi và chứa đựng ít rủi ro. Đó là xuất khẩu vàng để tái tạo ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTC ngày 23/03/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng thuộc các nhóm 71.13, 71.14, 71.15 tại biểu thuế xuất khẩu, thì vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu có hàm lượng từ 95% trở lên phải chịu thuế suất 2%. Quy định này đang làm khó DN, bởi vàng có giá trị rất lớn, trong khi chênh lệch giá mua, bán vàng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1000. Do đó, với thuế suất 2%, các DN đành “bó tay”, mà chỉ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ thấp tuổi.
Thế nhưng, đối với các loại vàng trang sức, mỹ nghệ thấp tuổi, các đối tác nước ngoài luôn đòi hỏi trình độ thiết kế, chế tác rất tinh xảo, nên hiện nay chỉ một vài DN sản xuất kinh doanh vàng VN mới có thể đáp ứng được.
Trên thực tế, xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động sống và tái tạo ngoại tệ từ nguồn vàng nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích phát triển. Hơn nữa, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; ASEAN - Hàn Quốc; ASEAN - Nhật Bản, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ từ các quốc gia này vào các nước ASEAN sẽ giảm xuống 0%. Do đó, nếu Bộ Tài chính không kịp thời điều chỉnh thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, thì các sản phẩm của các DN kinh doanh vàng VN không những không xuất khẩu được, mà còn bị “lép vế” ngay trên sân nhà.
Bởi vì, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ… có mẫu mã đa dạng, kiểu dáng đẹp, giá thành thấp, được hưởng thuế suất xuất khẩu 0%…., nên sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn sản phẩm trong nước.
Ngoài ra, theo Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hiện nay các DN chỉ được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm, mà chưa được phép xuất khẩu vàng miếng. Do đó, khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/NĐ-CP, NHNN cũng nên nghiên cứu trình Chính phủ cho phép các DN có đủ điều kiện được xuất khẩu vàng miếng để góp phần tái tạo nguồn ngoại tệ trước đây được sử dụng để nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng.
Ngọc Anh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.