Ảnh minh hoạ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 13 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN cả nước với quy mô 3.684,6 ha. Trong đó, 10 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, với tổng diện tích là 2.610,2 ha; 8 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 3 KCN có quyết định thành lập.
Đến nay, các chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư trên 826 tỷ đồng và 91,1 triệu USD xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 KCN gồm: KCN Phố Nối A, KCN Phố Nối B (KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II) và KCN Minh Đức với tổng diện tích 1.256,7 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 911,43 ha.
Tuy vậy, đến thời điểm này Hưng Yên mới có 3 trên tổng số 13 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh để tiếp nhận các dự án đầu tư.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, tại các KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II và KCN Dệt may Phố Nối hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ KCN, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… đã được các chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện trên phần diện tích của giai đoạn 1.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư, các KCN này nhanh chóng thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp và đã cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.
Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở hầu hết các KCN còn lại và giai đoạn 2 mở rộng một số KCN đã có hạ tầng kỹ thuật đều chậm so với tiến độ cam kết, nguyên nhân vì có nhiều khó khăn, nhưng chủ yếu do vướng mắc về đất đai, GPMB như: chính sách đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi, giá tiền thuê đất, quy hoạch…
Vì thế, mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 và có 22 dự án đầu tư được cấp phép, nhưng đến nay KCN Minh Đức (Mỹ Hào) vẫn chưa hoàn thành GPMB.
Theo phản ánh của chủ đầu tư KCN Minh Đức, trong số 175 ha đất đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, chủ đầu tư mới chỉ đền bù, GPMB đối với 168,3 ha bởi vẫn còn hộ dân chưa đồng thuận vì thế việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở đây chưa thực hiện được, cùng với một số KCN cũng đang vướng mắc.
Khó khăn, vướng mắc về đất đai, GPMB khiến các chủ đầu tư không có mặt bằng đất đai để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN. Tình trạng này khiến nhiều KCN trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng qua nhiều năm vẫn “nằm trên giấy”, chưa triển khai xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Trong năm 2013, chỉ có 3 KCN: Phố Nối A, Thăng Long II và Dệt may Phố Nối là có khả năng xây dựng được hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích mở rộng để tiếp nhận các dự án đầu tư. Toàn bộ phần diện tích mở rộng KCN Thăng Long II (125,6 ha) và KCN Dệt may Phố Nối (94,34 ha) và 58 ha trong tổng diện tích 204 ha đất mở rộng KCN Phố Nối A đã hoàn thành GPMB và giao đất cho chủ đầu tư.
Mặc dù các chủ đầu tư KCN Phố Nối A và KCN Thăng Long II nhanh chóng triển khai xây dựng mở rộng KCN nhưng đến nay việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các KCN này vẫn đang trong giai đoạn thi công san lấp mặt bằng.
Ở KCN Dệt may Phố Nối, hơn 3 năm sau khi được giao đất phần diện tích mở rộng, chủ đầu tư cũng mới chỉ thi công được phần nền móng trục đường giao thông chính của KCN và triển khai lắp đặt đường ống cấp nước. Trong bối cảnh Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu và với tiến độ thi công như hiện nay, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở KCN Dệt may Phố Nối chắc chắn không đạt được mục tiêu hoàn thành các hạng mục chính để tháng 6/2013 có mặt bằng tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp như cam kết của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Theo đánh giá, công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ trên địa bàn tỉnh chỉ có kết quả, hiệu quả phát triển kinh tế thực sự khi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Phải có mặt bằng đất đai thì nhà đầu tư mới có thể thực hiện đầu tư. Do đó việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, GPMB cho các dự án đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đang đặt ra rất cấp thiết, đòi hỏi sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp chính quyền địa phương, cũng như các ngành chức năng thì hy vọng mới có hiệu quả thiết thực như đề ra.