Hầu hết các ông chủ nhà băng đều cho rằng, việc hạn chế tín dụng vào bất động sản nhìn chung không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm một phần nhỏ, trong khi đó cho vay mua nhà – chiếm phần lớn tổng dư nợ - vẫn là cần thiết bởi mua nhà là nhu cầu thực tế và thiết yếu của mỗi cá nhân.

Ảnh minh hoạ.

Cho vay lĩnh vực bất động sản hơn 2,288 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tỷ ệ nợ xấu là 1,62% (tương đương khoảng 37.000 tỷ đồng).

NHNN đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát.

Ngoài ra, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng.

Trong thời gian tới, người đứng đầu NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua nhà, đầu tư nhà ở tự sử dụng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thanh tra, giám sát chặt việc cấp tín dụng bất động sản để kịp có giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng nào có dư nợ bất động sản nhiều nhất?

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, tính đến ngày 31/3/2022, Techcombank hiện là ngân hàng có dư nợ bất động sản lớn nhất với hơn 98.100 tỷ đồng, chiếm 26,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, ngân hàng này đang có 171.623 tỷ đồng cho vay cá nhân, trong đó có cho vay để mua nhà ở, bất động sản.

Theo sau là VPBank với hơn 42.483 tỷ đồng cho vay bất động sản, chiếm 11,4% trong cơ cấu dư nợ. Nhà băng này cũng có 66.387 tỷ đồng cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà, tỷ trọng 17,7%. Sơ bộ, VPBank có hơn 108.807 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực bất động sản, tương đương 29% dư nợ.

Hai ngân hàng tiếp theo có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn gồm SHB với 24.826 tỷ đồng và MBBank với hơn 19.311 tỷ đồng.

Chủ ngân hàng có lo?

Tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 23/4/2022, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank cho biết, ngân hàng đã kiểm soát và làm tốt trong lĩnh vực cho vay bất động sản. Theo ông Hùng Anh, ngân hàng chỉ cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị. Không chỉ vậy, các dự án bất động sản tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị,... mang theo nhiều giá trị cho người dân, cho xã hội.

Ông Hồ Hùng Anh cũng khẳng định không có vấn đề nào với các khoản vay bất động sản 5 năm qua, nợ xấu gần như bằng 0.

Tại đại hội thường niên 2022, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, VPBank vẫn coi đây là lĩnh vực quan trọng cần được duy trì và mở rộng.

Ông Vinh đánh giá chính sách siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản khi thị trường này tăng trưởng nóng là điều cần thiết. Tuy nhiên, bất động sản đã, đang và sẽ là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là với hệ thống ngân hàng thương mại.

Tổng giám đốc VPBank chia sẻ, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản hiện chỉ chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ của VPBank. Trong khi đó, dư nợ cho vay mua nhà tại ngân hàng vào khoảng 40% tổng dư nợ bán lẻ. Mua nhà, mua xe là những nhu cầu thực tế và thiết yếu của mỗi cá nhân, nên việc ngân hàng cho vay trong lĩnh vực này, theo ông Vinh, là cần thiết. Tuy nhiên, một số loại hình như bất động sản nghỉ dưỡng hay bất động sản mang tính đầu cơ ngân hàng sẽ quản lý và khoản soát chặt chẽ những khoản vay này.

Trong khi đó, tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra mới đây, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết ngân hàng không hạn chế mà cho vay trên cơ sở nhu cầu thực tế của người mua nhà chứ không phải cho vay để đầu cơ mua đi bán lại. Theo đó, nhà băng này sẽ tập trung cho vay đối với những chủ đầu tư có kinh nghiệm, những dự án có tính khả thi, có vị trí thuận lợi và có khả năng bán hàng tốt,…

Lãnh đạo VietinBank thì cho hay, dư nợ bất động sản tại VietinBank tính đến thời điểm hiện tại đang chiếm khoảng 20% danh mục tín dụng của nhà băng này. Nợ xấu cho vay bất động chỉ khoảng 0,3%. VietinBank vẫn ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư có kinh nghiệm và các dự án đang triển khai có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi. Đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng thu hút du lịch lớn. Tất cả những dự án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ thì các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), thì cho biết ngân hàng xác định nhóm khách hàng trọng tâm là nhóm khách hàng mua bất động sản, cụ thể là những người có nhu cầu mua nhà để ở thật.

Trong quý 1/2022, khối ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận 29% so với cùng kỳ nhờ vào tăng trưởng tín dụng tốt, thu nhập từ phí khả quan và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt. Tín dụng toàn hệ thống tăng 6% từ đầu năm tính đến cuối quý 1/2022, cao hơn nhiều so với mức 3,45% vào cuối quý 1/2021 nhờ nhu cầu vay lớn nhằm đáp ứng hoạt động kinh doanh phục hồi trở lại sau dịch bệnh. Tuy chất lượng tài sản có phần giảm sút khi tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng trong khi tỷ lệ bao nợ xấu giảm nhẹ so với cuối 2021.

Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán VnDirect, ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM (Tỷ lệ thu nhập lãi thuần - Net Interest Margin) phản ánh tốc độ tăng trưởng thu từ lãi so với tốc độ tăng chi phí) thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.

Tuy vậy, theo VnDirect, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và các ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao. Theo đó, đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.

  • Gần 1,5 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản

    Gần 1,5 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản

    Trong một báo cáo gửi đến Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến hết tháng 8-2019 tín dụng đối với bất động sản (BĐS) chiếm 19,14% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay toàn hệ thống hiện khoảng 7,8 triệu tỉ đồng, tính ra dư nợ BĐS ước 1,493 triệu tỉ đồng.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.