‘Xuất phát từ công tác quản lý điều hành tổ chức thực hiện không tuân thủ đúng theo quy hoạch nên mới có chuyện mạnh ai người đó xin, mạnh ngành nào ngành đó xin’.

Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ với Đất Việt xung quanh câu chuyện lãng phí và ngành ngành ‘chạy’ dự án nghìn tỉ.

PV: - Thưa ông, câu chuyện về những dự án nghìn tỉ không hiệu quả, lãng phí có thể kể ra hàng loạt trong khi nguồn lực nhà nước chỉ có hạn. Theo ông vì đâu có tình trạng này? Làm thế nào để hạn chế?

ĐB Trương Văn Vở: - Đứng ở giác độ điều chỉnh bằng luật tôi cho rằng chống lãng phí phải bắt đầu từ tính đồng bộ. Như trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn ngân sách, kể cả sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ tính đồng bộ chưa được coi trọng đúng mức trước khi phân bổ đầu tư.

Tính đồng bộ thể hiện trước hết ở công tác quy hoạch. Tôi nghĩ rằng vấn đề điều hành nền kinh tế nói chung phải đi từ công tác quy hoạch. Phải quản lý thật chặt quy hoạch. Ở đây nói quy hoạch không phải trong phạm vi một địa phương mà theo vùng kinh tế, khu kinh tế.

Đại biểu QH Trương Văn Vở: công tác quản lý điều hành tổ chức thực hiện không tuân thủ đúng theo quy hoạch nên mới có chuyện mạnh ai người đó xin, mạnh ngành nào ngành đó xin’

Nền kinh tế của Việt Nam đã xác định phân thành 4 vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế nhưng triển khai các dự án đầu tư để phân bổ nguồn lực phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế chưa theo hướng đó cho nên lãng phí nguồn lực trong khi nguồn lực mình có hạn là đương nhiên.

Ví dụ nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu tư cho công trình giáo dục, y tế, đầu tư xây cái vỏ nhưng thiết bị không có, con người không có.

Đáng ra phải đồng bộ từ xây lắp, thiết bị rồi đến con người. Phải có thứ tự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Tiêu chí là như vậy nhưng trong quá trình thực hiện mình chưa thực hiện được như thế nên cần phải điều chỉnh.

Tôi cho rằng nguyên nhân trước hết là các bộ, ngành địa phương ở các lĩnh vực người đứng đầu chưa gương mẫu và chúng ta cũng thiếu chế tài gắn trách nhiệm cho người đứng đầu.

PV: - Phải chăng chính vì điều này dẫn đến tính trạng mạnh ngành nào ngành đó xin dự án mà toàn là những dự án nghìn tỉ. Ông có cho rằng tâm lý nhiệm kỳ cũng là một mặt chi phối việc cố ‘kéo’ dự án để hưởng % chênh lệch, mang lợi cho bản thân? Làm thể nào để ràng buộc trách nhiệm?

Ông Trương Văn Vở: - Cái này chỉ có thể ràng buộc bằng pháp luật. Nếu có quy định, chế tài cụ thể thì tư duy nhiệm kỳ cũng có thể khắc phục được. Quan trọng là chúng ta phải có chế tài.

PV: - Vậy ông có cho rằng chính tâm lý nhiệm kỳ, xin dự án cứ phải nghìn tỉ. Như mới đây để nắn dòng chảy sông Hồng Nhà nước phải chi 1.800 tỷ và hiện Cục Đường thủy nội địa đang làm thủ xin thêm 1600 tỷ nữa để điều chỉnh dự án; mới đây Sở PCCC Hà Nội đã đưa ra con số 6000 tỉ đồng xin TP Hà Nội để trang bị thiết bị cho cảnh sát PCCC hay như dự án 1.100 tỉ đồng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường xin Chính phủ để mua tàu điều tra tài nguyên môi trường biển…

Những con số nghìn tỉ được đưa ra trong thời buổi kinh tế khó khăn này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện cho rằng lãng phí, không cần thiết khi đối chiếu vào hiệu quả thực tế sử dụng. Vậy quan điểm của ông về việc này như thế nào?

ĐB Trương Văn Vở: - Như tôi nói từ đầu đó là xuất phát từ công tác quản lý điều hành tổ chức thực hiện không tuân thủ đúng theo quy hoạch nên mạnh ai người đó xin, mạnh ngành nào ngành đó xin. Đáng ra phải có quy hoạch, ít nhất trung hạn là 3 năm 1 lần mới khắc phục được cơ chế xin – cho.

Ví dụ mới đây Chính phủ mới khắc phục việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong kế hoạch trung hạn (3 năm 2012-2015). Tuy nhiên ngân sách tập trung lại chưa thực hiện được phân bổ nguồn lực kiểu này, do vậy phải điều chỉnh.

PV: - Như ông phân tích cần có quy hoạch tức là phải biết rõ nhu cầu cần đến đâu, ngành nào thiếu cái gì và cần tập trung đầu tư cho lĩnh vực nào trước hết. Như vậy sẽ tránh được tình trạng kiểu đã ăn đong nhưng chạy chỗ này một ít, chỗ kia một ít nhưng lại chưa thực sự cần thiết?

ĐB Trương Văn Vở: - Đúng như vậy. Xuất phát từ lý do đầu tư theo quy hoạch, phân bổ nguồn lực theo kế hoạch trung hạn để xóa bỏ cơ chế xin cho nên hàng năm giữa cơ quan trung ương và địa phương, các ngành với trung ương cứ mạnh ai người đó xin. Thế mới có câu chuyện ngành nào cũng muốn có dự án nghìn tỉ.

Tôi mong sao Quốc hội kịp thời ban hành hệ thống Luật đồng bộ. Ví dụ bên cạnh Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí gắn với tái cơ cấu nền kinh tế thì các thể chế phải kèm theo. Phải có luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước như thế nào để kịp thời, đồng bộ mới khắc phục được.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bích Ngọc (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.