Trong báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2017 ngành xây dựng đã đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu chủ yếu: Hoạt động xây dựng tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đứng thứ 3 trong số các ngành về đóng góp tăng trưởng GDP cả nước; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 37,5%, tăng 0,9% so với năm 2016; tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị đạt 100%, trong đó quy hoạch phân khu đạt 77%, tăng 2% so với năm 2016; quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4%, tăng 0,4% so với năm 2016; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,4m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2016...
Cải thiện môi trường kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, một trong những kết quả nổi bật của ngành xây dựng là đã hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý Nhà nước, phân cấp, ủy quyền về thẩm định dự án, dự toán, thiết kế.
Quyết liệt triển khai thực hiện Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc. Đây là 2 bộ luật hoàn chỉnh, thống nhất các quy định từng rải rác trong nhiều văn bản pháp luật, được kỳ vọng tạo bước đột phá trong chỉnh trang, phát triển đô thị. Bộ Xây dựng cũng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch; xây dựng, rà soát, nghiên cứu, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) phù hợp với định hướng của Luật Quy hoạch, cũng như sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến pháp luật về xây dựng, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.
“Hiện nay, thời gian cấp phép xây dựng đã được rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới - WB) được xếp hạng 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016, là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ, và cho biết đã trình Chính phủ ban hành các nghị định có nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhất là đối với 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM.
Quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn. Với kết quả đạt được trong năm 2017, Bộ Xây dựng được Chính phủ đánh giá rất cao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính. Cụ thể, đã giảm 49/90 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính; đề xuất bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thị trường BĐS ổn định
Thị trường BĐS năm 2017 tăng trưởng tốt, với hơn 3.000 dự án đang triển khai, vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng gần 80.000ha đất. Sự phát triển ổn định của thị trường BĐS thể hiện ở 3 yếu tố. Thứ nhất, giao dịch năm 2017 tăng mạnh so với 2016. Tính riêng thị trường Hà Nội và TPHCM năm qua đã có 64.000 giao dịch so với các năm 2015 và 2016 chỉ hơn 40.000 giao dịch.
Thứ hai, giá cả tương đối ổn định, chỉ tăng dưới 5% ở tất cả phân khúc; tính thanh khoản nhà ở thương mại (NoTM) giá rẻ rất tốt. Khảo sát của Hiệp hội BĐS Việt Nam ở Hà Nội và TPHCM, cho thấy các dự án nhà ở đều bán hết trong 23 tháng, riêng NoTM giá rẻ bán hết trong vòng 6 tháng.
Thứ ba, dư nợ tín dụng BĐS có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến quý III-2017, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 447.000 tỷ đồng, chiếm 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn.
2017 được xem là năm khá thành công của các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính. Ảnh: M.TUẤN
Năm 2017 các chương trình nhà ở xã hội (NoXH) cũng được nhiều địa phương tích cực triển khai, như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.
Năm 2017, cả nước có thêm 5 dự án NoXH cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 1.225 căn; 16 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 5.200 căn hộ. Ngoài ra, chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã có 89/95 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên; 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung 83%.
Kiểm soát, quản lý hiệu quả
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, quá trình đô thị hóa cùng với công nghiệp hóa và hiện đại hóa, là 3 trụ cột then chốt của công cuộc đổi mới. Từ định hướng chung này, trong năm 2017 hệ thống phát triển đô thị cả nước, trước hết tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%, xấp xỉ chỉ tiêu 41% đến năm 2020. Theo đó, đến nay cả nước có 813 đô thị các loại, chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP.
Tuy nhiên, vị “tư lệnh” ngành xây dựng nhìn nhận hiện nay tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM việc phát triển quá nhiều cao ốc trong khu vực nội thành đang tạo ra nhiều hệ lụy như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... gây bức xúc trong dư luận.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tán thành đề xuất của Bộ Xây dựng về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng theo hướng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, đặc biệt tại các đô thị lớn và các đô thị ven biển.
Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường.
Theo đó, bộ này sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hàng hóa các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.
Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm thị trường BĐS và lo ngại phát triển nóng, châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế. Nhưng chúng tôi khẳng định để thị trường BĐS đang phát triển đúng hướng, ổn định và lành mạnh. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam |