Ngày 26/8 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam - Kinh tế và triển vọng. Hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều tập trung vào các nội dung làm rõ những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và đối thoại đa chiều về chính sách để hỗ trợ, đưa ra các giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Diễn đàn đầu tư xây dựng và bất động sản lần này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Công thương, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế và một số tổ chức trong và ngoài nước phối hợp tổ chức.


Đây là diễn đàn đối thoại đa chiều về đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước đại diện cho các nhà đầu tư, doanh nhân, các tổ chức liên quan. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, đây là diễn đàn đối thoại đa chiều về đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với mong muốn sẽ đóng góp những ý kiến có tính chất gợi ý tích cực giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững.


Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia bất động sản bày tỏ lạc quan về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bất động sản vẫn là một thị trường tiềm năng và nhiều cơ hội để phát triển. Đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản không chỉ tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước quốc tế.


Tuy nhiên, TS Trần Kim Chung thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những năm vừa qua thị trường bất động sản nước ta phát triển khá trồi sụt. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó do cả cơ chế, chính sách của Nhà nước còn bất cập.


Thể hiện rõ nét nhất là thị trường bất động sản còn đang ở cấp độ phát triển thấp, các thành tố của thị trường hình thành chưa đầy đủ. Bên cạnh đó là hàng loạt các yếu kém khác có thể kể tới như: thị trường thiếu minh bạch chủ yếu phụ thuộc vào bên bán; bị phân chia, cắt khúc xét ở góc độ địa bàn, chủ thể đầu tư và loại hình sản phẩm; khó tiếp cận, chi phí cao gây trở ngại, hạn chế phát triển sản xuất; chính sách về bất động sản thiếu chế tài và thiếu tính dự báo;...


Ông David Blackhall, Phó Giám đốc Tập đoàn VinaCapital lại phân tích, bất động sản tại Việt Nam đang đứng trước thách thức trong môi trường lãi suất cao. Nhiều công trình đang xây dựng bị hoãn lại bởi chủ đầu tư không thể vay tiền ở mức lãi suất như vậy. Tuy nhiên, ông khẳng định, các dự án nhà đất (biệt thự và nhà phố) vẫn có thể bán được, nếu chủ đầu tư nào có nhà bán rẻ sẽ chiếm lĩnh được thị trường.


Ở một khía cạnh khác, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, kết cấu hạ tầng là một loại hình bất động sản đặc thù, sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công và tư nhân, nhất là khi có chủ trương phát triển hình thức PPP. Chính vì vậy, cần phải đổi mới quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng tại Việt Nam.


Theo đó, ông đưa ra 5 kiến nghị là, cần lập quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch tổng hợp hệ thống kết cấu hạ tầng, rà soát kế hoạch 5 năm; Coi trọng kế hoạch chuẩn bị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; Thay đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án bằng Phân tích chi phí-lợi ích; Hoàn thiện thể chế PPP (hợp tác công - tư) vì theo ông phương thức đầu tư theo hợp đồng PPP được đưa vào Luật đầu tư nước ngoài rồi Luật đầu tư nhưng không phát triển vì thiếu thể chế hoàn chỉnh; Áp dụng thể chế giám lý công trình trong đầu tư công.
Theo Đức Nguyễn (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.