Hiện nay, thế giới đang giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Ảnh: Getty
Ngày 25/12, được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Báo Công Thương đã tổ chức Hội thảo Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức. Hội thảo nhằm đẩy mạnh các nhiệm vụ Chính phủ giao về tái cơ cấu ngành Công Thương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quan điểm, chỉ đạo của Đảng trong phát triển kinh tế xanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời góp phần hiện thực hoá mục tiêu trong các chiến lược của Chính phủ.
Năm 2030 phải giảm ít nhất 9% phát thải khí nhà kính
Nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 2600/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Trình bày kế hoạch, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 8,2% phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU - Business as usual), tương ứng với 36,2 triệu tấn CO2 (tương đưng CO2tđ) trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ của quốc tế thì giảm ít nhất 36,4% phát thải khí nhà kính với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 160,5 triệu tấn CO2 trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 9,0% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 55,5% triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ thêm của quốc tế giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 213,7 triệu tấn Co2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng
Theo ông Hoàng Văn Tâm, thị trường carbon là vấn đề mới ở Việt Nam, nhưng ở khu vực đã vận hành 10 năm nay. Ông Tâm nhận định: Thị trường carbon là hàng hoá không thể sờ, nắm nhưng nó là sản phẩm có giá trị và tiềm năng lớn về cơ hội đầu tư, kinh doanh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi chưa sẵn sàng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có cơ sở pháp lý cho việc hình thành thị trường carbon. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường carbon nội địa thông qua Điều 139. Sau đó, Nghị định 06 năm 2022 của Chính phủ có Điều 91 và 139 về giảm phát thải khí nhà kính và hình thành - phát triển thị trường carbon. Tuy vậy, để phát triển thị trường carbon doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức nhất định, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Mai Anh, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng TKV là tập đoàn năng lượng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Than, khoáng sản, xi măng… nên vấn đề thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong các đơn vị trực thuộc luôn được TKV quan tâm, triển khai thực hiện.
"Cụ thể, Tập đoàn TKV đã quan tâm xây dựng lộ trình giảm phát thải trong các đơn vị, nhưng khó khăn là hiện chúng ta chưa có văn bản nào về hạn mức carbon, nên vấn đề triển khai gặp phải những khó khăn về nhiều chỉ tiêu. Cần phải có hạn mức cụ thể thì đơn vị mới xây dựng được", bà Nguyễn Mai Anh nhấn mạnh.
Ông Vũ Mạnh Thắng, Ban Năng lượng Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai thị trường phát thải carbon như: Khó khăn về vấn đề pháp lý và chính sách; thách thức về tài chính; hạn chế về công nghệ kỹ thuật; thiếu hụt nhân lực và chuyên môn; khó khăn trong tiếp cận thông tin và thị trường; rủi ro và thị trường và kinh doanh.
Để hoá giải các thách thức trên, ông Vũ Mạnh Thắng cho rằng, cần tập trung 6 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thông qua đơn giản hoá các thủ tục hành chính và kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể, minh bạch.
Thứ hai, giải pháp tài chính: Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường và khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế.
Thứ ba, nâng cao công nghệ và kỹ thuật thông qua đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn và áp dụng quản lý năng lượng hiệu quả.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực thông qua tổ chức đào tạo, hội thảo nâng cao kiến thức. Cùng với đó, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực. Thứ năm, tăng cường hợp tác và kết nối thị trường bằng việc tham gia các hiệp hội, mạng lưới doanh nghiệp và kết nối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực carbon.
Thứ sáu, quản lý rủi ro và chiến lược kinh doanh linh hoạt thông qua xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với biến động thị trường và đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng
Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc
Ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Thị trường tín chỉ carbon rất hấp dẫn bởi đây là một loại hàng hóa rất đặc biệt. Hiện nay, có hai loại thị trường phổ biến, bao gồm thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện.
Do đó, Việt Nam cần triển khai cẩn trọng về các vấn đề kiểm kê khí thải và phân bổ hạn ngạch. Đồng thời, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị, điển hình như về mặt truyền thông, nâng cao nhận thức để các doanh nghiệp nắm rõ rằng thế nào là thị trường tuân thủ, thế nào là thị trường tự nguyện. Điều này giúp các doanh nghiệp, cơ quan tư vấn, môi giới phát huy được năng lực vốn có. Đồng thời, trong giai đoạn đầu thực hiện, đơn vị quản lý cần đặt ra một mức giá trao đổi tín chỉ carbon phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Sỹ Linh cho biết thêm, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rất quan tâm đến việc phân bổ hạn ngạch để thị trường tín chỉ carbon sớm phù hợp với bối cảnh chung của thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, để triển khai thành công thị trường carbon là vấn đề không đơn giản, ngoài cơ chế chính sách thì còn là việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tới đây thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon nên việc tổ chức thực hiện rất quan trọng, phải nghiên cứu kỹ ai làm, làm như thế nào, phải thanh tra và giám sát thì mới ra được vấn đề.
Dưới góc độ chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường cho rằng, để phát triển thị trường carbon, bên cạnh hoàn thiện chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ về thị trường carbon.
Cùng với đó, cần tổ chức các khoá đào tạo về kiểm kê khí nhà kính để doanh nghiệp hiểu và tự làm được kiểm kê khí nhà kính. Bởi việc nhận thức đúng về kiểm kê khí nhà kính có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, đối với thị trường carbon. Cùng với đó, cần có khoá đào tạo chuyên sâu về Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) cho cộng đồng doanh nghiệp…
Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường carbon đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Hoàng Văn Tâm – Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng: Trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và giảm phát carbon.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai thị trường carbon, nên doanh nghiệp lúng túng không biết khi tham gia sẽ phải làm gì, thực hiện như thế nào. Theo đó, ông Hoàng Văn Tâm cho rằng, trong khuôn khổ hợp tác với các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền để thông tin tới các doanh nghiệp về thị trường carbon.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn để doanh nghiệp biết doanh nghiệp của mình phát thải bao nhiêu và phát thải carbon như thế nào. Đồng thời, tổ chức khoá tập huấn cho doanh nghiệp tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam) để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, vì nếu không biết phát thải bao nhiêu thì khi tham gia thị trường carbon sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, ngày 27/12/2023, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.
Tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (Đề án), chiều 7/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Đề án phải hình thành và vận hành nhuần nhuyễn sàn giao dịch carbon trong nước cả về pháp lý, con người, cơ chế chính sách. Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới... |
-
Tiềm năng kinh doanh tín chỉ carbon với hơn 14 triệu ha rừng
Việt Nam với hơn 14 triệu ha rừng, nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp. Song, để tạo ra được tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.