09/06/2011 1:51 AM
VSA cho rằng việc áp thuế xuất khẩu cho phôi và các sản phẩm thép sẽ làm các doanh nghiệp nản lòng, giảm khả năng cạnh tranh với thép ngoại và tăng lượng dư thừa trong nước.

Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có ý kiến về việc Bộ Tài chính đề xuất mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi và thép xuất khẩu.

Cuối tháng 5, Bộ Tài Chính đã trình Thủ tướng đề xuất mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%. Lợi nhuận của ngành thép có được do hưởng lợi từ giá điện thấp 10-15 USD mỗi tấn, tương đương với 214.000 - 321.000 đồng tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Số liệu này được Bộ căn cứ vào giá điện tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đồng mỗi KWh thay vì 1.242 đồng mỗi KWh trong năm 2010.

Hiệp hội bất đồng với Bộ Tài chính về thuế xuất khẩu thép
VSA lo ngại, thuế xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp thép không ổn định được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hoàng Hà.

Hiệp hội Thép cho rằng, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép không cao, nên không thể kết luận lợi nhuận ngành thép là do giá điện rẻ mang lại. VSA dẫn chứng, trong các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi mất khoảng 600 kWh mỗi tấn, còn các sản phẩm khác, chỉ tiêu hao khoảng 100 - 120 KWh mỗi tấn.

Theo VSA, dù sản phẩm phôi thép tiêu hao điện nhiền nhất nhưng lượng phôi xuất khẩu và tái xuất khẩu không đáng kể, chủ yếu bán cho các nhà máy cán thép trong nước.

Hiệp hội Thép kiến nghị Chính phủ cần khuyến khích xuất khẩu thép vì thị trường trong nước không tiêu thụ hết. Thực tế, tình trạng đầu tư không tuân thủ Quy hoạch Thủ tướng duyệt tháng 9/2007, làm cho công suất các nhà máy hiện tại đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước. Theo thống kê của Tổng Cục Hải Quan, nhập siêu của ngành thép năm 2010 là khoảng 6 tỷ USD.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc đều áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu như thoái thu thuế VAT tới 9% hoặc thoái thu thuế xuất khẩu. Việt Nam là nước mới tham gia thị trường xuất khẩu, tính cạnh tranh về giá thành còn thấp, nếu đánh thuế sẽ giảm khả năng xuất khẩu, dẫn đến lượng dư thừa nội địa sẽ trầm trọng hơn. Doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về giá thành vì công nghệ hiện đại, công suất lớn, năng suất cao. Nếu để họ cạnh tranh ở thị trường trong nước sẽ làm cho doanh nghiệp thép vừa và nhỏ của Việt Nam gặp khó khăn.

VSA cho rằng, việc đánh thuế 3% với sản phẩm thép xuất khẩu thay vì áp 0% như hiện nay đã vượt xa so với mức bù giá do EVN đề nghị. Thuế xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp thép không ổn định được kế hoạch sản xuất kinh doanh và làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành thép.

Trước đó, Hiệp hội Thép cũng lên tiếng phản đối dự thảo dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu trong đó có sản phẩm và phôi thép xây dựng do Bộ Công Thương soạn thảo. Bộ Công Thương cho rằng mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa là 10% lượng thép và 3-5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%. VSA phản hồi, quy định giá bán thấp sẽ hình thành cơ chế xin cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối.

Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.