Qua đó giúp thành phố xóa bỏ hàng loạt “tuyến đường đau khổ” ở vùng nông thôn, góp phần đưa chương trình nông thôn mới về đích sớm, thúc đẩy sự phát triển trên những vùng đất thép.
Đường “khoác áo mới”
Năm nay, tết như đến sớm hơn với người dân ở tổ 2, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), bởi từ cuối tháng 11-2019, hơn 80 hộ dân ở đây không còn phải đi lại trên con đường đất đá lổn nhổn, mặt đường đầy “ổ voi, ổ gà”, cũng không phải lo sợ cướp giật như trước vì đường đã có đèn chiếu sáng. Nhìn con đường phẳng phiu còn thơm mùi nhựa mới, ít ai nghĩ rằng đây từng là “cung đường ám ảnh” một thời của người dân địa phương.
Thi công tuyến đường dẫn vào tổ 2, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) được người dân hiến đất, mở rộng
Ông Nguyễn Thành Nhân, người dân sống trên tuyến đường, nhớ lại: “Đường hẹp lại không có cống thoát nước nên mưa xuống là nước ngập sâu hơn nửa mét, tràn vào nhà. Mùa nắng thì bụi mù trời. Việc đi lại, di chuyển của bà con vì thế rất khổ sở. Giờ đường thật ngon”.
Tuyến đường dẫn vào tổ 2, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được người dân hiến đất, mở rộng, láng nhựa thông thoáng
Theo ông Nhân, để tuyến đường được “khoác áo mới” và khang trang như hôm nay, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương có vai trò rất lớn vì đã làm tốt công tác dân vận. Do khu vực tổ 2 là khu dân cư hiện hữu, phần lớn là đất ở, có giá trị lớn nên khi địa phương vận động hiến đất, một số người còn do dự. Tuy nhiên, nhờ sự vận động, giải thích có lý có tình của địa phương cùng với sự đoàn kết, biết chia sẻ của người dân (người có điều kiện hơn sẽ góp đất, góp tiền nhiều hơn) nên tất cả đều đồng tình, chung tay nâng cấp đường. Không chỉ hiến đất, góp tiền, các hộ dân còn đóng góp ngày công để việc thi công, nâng cấp tuyến đường được thực hiện nhanh hơn. Sau 3 tháng triển khai, đến nay con đường dẫn từ đường 1A vào tổ 2 được “khoác áo mới”, láng nhựa phẳng phiu, chiều ngang đường từ 2m được mở rộng ra hơn 4m.
Tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), những ngày này, người dân ở các ấp Tiền, ấp Tân Định... chung tay dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, làm tăng vẻ mỹ quan trên các tuyến đường bê tông do chính người dân hiến đất xây dựng. Là người hiến gần 200m2 đất, ông Nguyễn Văn Coi (ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội) nói rằng tuy trị giá phần đất hiến để làm đường lên đến hàng tỷ đồng nhưng gia đình ông không hề đắn đo, suy nghĩ, ngược lại xem đó là niềm vui, là cách để đóng góp cho quê hương.
Lan tỏa mô hình vì lợi ích chung
Ông Trương Công Minh, Chủ tịch UB MTTQ xã Vĩnh Lộc B, cho biết tuyến đường nhựa ở tổ 2, ấp 1 là một trong số chục tuyến đường ở Vĩnh Lộc B được nâng cấp, mở rộng từ nguồn kinh phí xã hội hóa (người dân tự hiến đất, góp tiền) trong năm 2019. Việc người dân tự nguyện hiến đất, mở rộng hẻm không chỉ giải quyết được những bất cập về giao thông (kẹt xe, ngập nước, tai nạn) mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Minh, sự đoàn kết, chung lòng, biết bỏ qua lợi ích riêng để vì lợi ích chung của người dân chính là yếu tố cốt lõi giúp địa phương xóa bỏ được những “tuyến đường đau khổ” trên địa bàn trong thời gian qua. “Trong năm 2019, ở Vĩnh Lộc B có 1.052 hộ dân hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, góp kinh phí làm đường. Đây là mô hình hay, góp phần đáng kể vào sự phát triển của địa phương, xã sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”, ông Minh cho hay. Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng thông tin, từ năm 2005 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã hiến gần 800.000m2 đất để xây đường, mở hẻm, lắp đặt cống thoát nước... Mô hình hiến đất mở rộng đường - hẻm ngày càng lan tỏa và mang lại hiệu quả cao ở Bình Chánh, qua đó góp phần đưa chương trình nông thôn mới về đích sớm ở một số xã trên địa bàn huyện.
Theo UB MTTQ TPHCM, từ năm 2005 đến nay, người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất để mở rộng đường hẻm, tổng giá trị ước tính hơn 2.200 tỷ đồng (theo đơn giá nhà nước). Ở những vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vùng nông thôn như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè..., tuy đời sống kinh tế còn khó khăn, nhưng không ít hộ dân vẫn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, thậm chí có trường hợp hiến cả ngàn mét vuông đất để làm đường, mở rộng hẻm. Hiến đất, mở rộng hẻm đã và đang là một mô hình, cách làm nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân TPHCM. |
-
Mức thu lệ phí cấp sổ đỏ hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh
Hiện nay, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thực tế thường gọi là sổ đỏ/sổ hồng) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Phụ lục 1C ban hành kèm theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND. Cụ ...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.