Thời gian vừa qua, những tai nạn thương tâm đã liên tiếp xảy ra do sự cố từ thang máy tại các tòa chung cư. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đảm bảo an toàn hệ thống thang máy ở các tòa nhà cao tầng. Trong khi đó, công tác thẩm tra, kiểm định chất lượng, sử dụng thang máy đúng nguyên tắc vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Dù biết đi thang máy không thể an toàn như thang bộ nhưng đây là hình thức vận chuyển chủ yếu tại các tòa nhà cao tầng do tính thuận tiện. Vì vậy, cần yêu cầu đảm bảo nghiêm ngặt về độ an toàn với thang máy nhưng hiện nay, những vụ tai nạn và sự cố hư hỏng thang máy liên tiếp xảy ra ở các tòa chung cư đang khiến cho người dân cảm thấy lo sợ.

Hàng loạt tai nạn từ thang máy

Ngày 11/7/2017, ông Võ Văn Thăng, bảo vệ của chung cư Thủ Đức House, trên đường 672, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM, dẫn nhân viên bảo trì đi kiểm tra thang máy đang mắc kẹt tại tầng 2 của tòa nhà. Tuy nhiên, do sơ sẩy, ông Thăng đã rơi xuống hầm thang từ độ cao 5m và tử vong tại chỗ.

Trước đó là sự cố thang máy của tòa nhà Bitexco Financial Tower, ngày 9/7, một số người vào thang máy để di chuyển lên các tầng. Khi vừa vào thang máy ở tầng G trong tòa nhà để di chuyển lên các tầng phía trên, thang máy vừa đến tầng B1 liền khựng lại và cửa không mở ra được nên mọi người ở trong thang máy đã phải tìm cách kêu cứu.

Hay sự việc xảy ra tại công trình văn phòng và trung tâm thương mại công ty Hùng Thắng Phát (đại lộ Hòa Bình, khu 3, phường Trần Phú) hôm 30/5. Khi tan ca, các công nhân di chuyển bằng thang máy xuống đã gặp sự cố đứt cáp và rơi từ tầng 7 xuống đất, khiến 7 người bị thương.

Tương tự, giữa tháng 12/2015, một sinh viên trường Đại học Hàng hải (Tp.Hải Phòng) khi bước vào thang máy của trường này ở tầng 5 đã bị rơi thẳng xuống đất, gây tử vong.
Xảy ra tai nạn khủng khiếp như vậy là do thang máy gặp sự cố, khi mở cửa ra thang vẫn còn ở tầng 9 chưa xuống, người sinh viên này không chú ý, vẫn bước vào buồng thang máy nên bị rơi thẳng xuống.

Điều đáng nói là thang máy này mới hoạt động 5 tháng, được Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II kiểm định.

Trước đó, cuối tháng 8/2015, toàn bộ thang máy tại cao ốc B Ngô Gia Tự (quận 10, Tp.HCM) chạy cà giật, không ổn định, khiến cho một thang máy đã tự động “phóng” thẳng từ tầng một lên tầng trên cùng và đứng yên ở đó, may mắn là không xảy ra tai nạn chết người vì cư dân chưa có ai ở trong thang lúc đó.

Trên đây chỉ là một số trong những sự việc đã xảy ra thời gian qua liên quan đến thang máy tại các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, sự việc này đang báo động về độ an toàn khi vận hành, bảo trì của người sử dụng, chủ đầu tư trong quá trình sử dụng thang máy.

Sự cố thang máy tại một chung cư tại Thủ Đức

Quản lý lỏng lẻo

Hiện nay, chung cư là một hình thức nhà ở phổ biến tại những thành phố đông dân ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, hình ảnh các tòa nhà chung cư cao tầng đã dần trở nên quen thuộc với người dân trong gần hai thập kỷ qua. Song gần đây, loại hình nhà ở này cũng đang khiến cho nhiều người dân cảm thấy bất an bởi những vụ việc lùm xùm liên tiếp xảy ra ở các khu nhà này.

Trao đổi với nhóm phóng viên chúng tôi, một nhân viên bảo trì thang máy tên Giang, làm việc tại một tòa nhà trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến thang máy hư hỏng, dẫn đến tai nạn là do cách vận hành, bảo trì của người sử dụng không đúng cách. Theo quy định, cứ trung bình 1 – 2 tháng, nhân viên bảo trì cần phải tiến hành kiểm tra, bảo trì thang máy một lần.

“Trong quá trình sử dụng, nhiều người dân, chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy trình sử dụng thang máy. Chủ công trình và người sử dụng không có lịch trình bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa hoặc thay thế những chi tiết bị hỏng của thang máy trong quá trình hoạt động kéo dài. Vì vậy, thang máy gặp sự cố là điều không thể tránh khỏi”, anh Giang cho biết.

Bên cạnh đó, theo ý kiến chủ quan của người dân, trong quá trình nhập khẩu thang máy, một số công ty còn “ăn bớt” hệ thống an toàn đối với các thang máy nhập khẩu nguyên chiếc nhằm giảm bớt thao tác vận hành, vừa giảm chi phí vừa dễ bán.

Một cán bộ tại một trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn ở Tp.HCM cho biết, ngoài nguyên nhân kiểm định không khách quan, công tác kiểm định, thẩm định sự an toàn của thang máy cũng không thường xuyên.

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư sử dụng thang máy gần chục năm vẫn chưa một lần được cơ quan có thẩm quyền kiểm định “hỏi thăm”. Trong khi những quy định an toàn đã lạc hậu, công tác quản lý các nhà cao tầng không đủ tính chuyên nghiệp.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt vụ tai nạn thang máy liên tục xảy ra là do công tác kiểm định, thẩm định an toàn của thang máy chưa chặt chẽ. Nhiều thang máy được lắp ráp tại công trình lớn hay hàng nghìn thang máy được sử dụng trong chung cư, khách sạn, trường học hàng chục năm qua vẫn chưa được cơ quan nào đến kiểm định.

Trên thực tế, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn từ thang máy nhưng nguyên nhân ra sao, ai chịu trách nhiệm hầu như không được nhắc tới vì những lý do nào đó.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng cần phải làm rõ vấn đề một cách triệt để nhằm giúp cho nhà sản xuất, nhà quản lý và người sử dụng biết cách phòng tránh. Việc bỏ ngỏ các điều kiện an toàn ở những chung cư hiện nay là một thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi và như vậy, các tai nạn sẽ còn tiếp tục xảy ra khi đằng sau đó không có ai chịu trách nhiệm.

Đăng Thanh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.