Hiện hầu hết mỗi nhà người dân ở TP.HCM đều dùng bồn inox hoặc bồn nhựa để chứa nước. Chỉ cần đứng lên cao nhìn xuống một khu dân cư bất kỳ, chúng ta sẽ thấy hàng chục bồn nước đủ kích cỡ, lố nhố trên các sân thượng, mái nhà.
Các bồn này có dung tích từ 500 đến 2.000 lít nhưng người sử dụng đều cho biết các bồn nước được lắp đặt tùy ý, không có sự hướng dẫn hay kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng nào. Ông Tài (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho biết nhà ông có hai bồn nước loại 1.500 lít/bồn, trong đó có một bồn lọc phải để cách sàn bê tông 2 m. “Cao hay thấp là tùy ý mình đặt, cứ thấy sao cho tiện là được vì không có ai đi kiểm tra, nhắc nhở hay hướng dẫn gì” - ông Tài nói.
Nhiều bồn nước lắp đặt sơ sài, tạm bợ trên mái nhà. Ảnh: Phước Tĩnh
Theo quan sát, nhiều hộ gia đình nhà cấp bốn, mái tôn lụp xụp nhưng vẫn đặt những bồn nước (loại 1.000 hay 1.500 lít) lên trên nóc nhà. Chị Nga (phường 13, quận Bình Thạnh) cho hay nhà mái tôn nên chồng chị dùng thêm nhiều thanh gỗ, tấn ván để cố định bồn nước. Nó nằm yên trên mái tôn đã gần ba năm rồi, đâu có thấy sự cố gì. Chị Nga cho biết thêm, ở trong xóm có nhà chỉ cần dùng gạch xếp chồng lên là thành chỗ đặt bồn nước rồi.
Ông Hồ Quốc Cường (phường 11, quận Bình Thạnh) cho biết nhà ông sử dụng bồn nước inox 1.500 lít gần 15 năm nay. Việc lắp đặt khá đơn giản, chỉ cần khoan bắn ốc vít cố định giá đỡ (bán kèm với bồn nước) trên sàn bê tông cứng là xong. Xài cả chục năm qua, thấy giá đỡ gỉ sét, ông Cường mua thêm sắt về gia cố. “Bao nhiêu năm nay tôi không thấy ai kiểm tra hay nhắc nhở phải bảo đảm an toàn” - ông Cường nói.
Ông Bùi Nguyên Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh, nhìn nhận lâu nay, việc lắp đặt các bồn nước như thế nào cho an toàn phụ thuộc vào chủ nhà, theo đánh giá chủ quan của nhà thầu, chủ công trình... Ngoài ra, các đơn vị sản xuất bồn nước đều có bảo hành dài hạn (10 năm - PV) với các chân đế nhưng cũng khó bảo đảm sự an toàn tuyệt đối.
Ông Hồ Kỳ Lân, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, cho biết thêm, quận chưa thống kê cụ thể số lượng các bồn nước trên nhà dân ở địa bàn. Ngoài ra, hiện cũng chưa có văn bản quy định cụ thể vị trí lắp đặt, các điều kiện đảm bảo an toàn hay quy định về kiểm tra, xử phạt do các bồn “thiếu an toàn, sai quy cách”. Ông Lân cho biết thêm, bồn nước được coi là công trình phụ, không thể hiện ở bản vẽ khi xem xét, duyệt để cấp phép nên khó xử lý. “Việc bảo đảm an toàn của các bồn nước hiện nay phụ thuộc vào sự hướng dẫn của các đơn vị sản xuất, phân phối bán bồn nước và từ phía người dân khi gắn bồn. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có quy định quản lý về vấn đề này” - ông Lân nói.