Hàng loạt dự án bị “sờ gáy”
Những ngày đầu năm 2013, vụ việc dự án Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội) bị Sở Xây dựng Hà Nội đình chỉ thi công do chưa có giấy phép xây dựng đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Bởi tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại 27 tầng do Công ty TNHH Hòa Bình và CTCP Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư này vốn là một dự án khá đình đám tại thời điểm mở bán.
Không chỉ bởi danh xưng cao cấp, kết cấu của các tòa nhà dự án này theo chủ đầu tư có khả năng chống chịu động đất lên đến cấp 8 (cao hơn quy định của Bộ Xây dựng) - vốn là thông tin “nóng” sau khi Hà Nội xảy ra những trận động đất vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Hòa Bình Green City chỉ là 1 trong 788 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012. Hiện vẫn còn 18 công trình và trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục xử lý.
Ngoài ra, Hà Nội cũng ra “tối hậu thư” cho nhiều dự án về việc hoàn thiện hạ tầng, thậm chí quyết định thu hồi đất.
Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS, UBND TP Hà Nội cho biết năm 2012, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã trình UBND xem xét quyết định thu hồi đất của 16 tổ chức, trong đó có một số diện tích lớn như 803ha tại 6 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Thạch Thất của CTCP Tập đoàn Nam Cường; dự án xây dựng nhà ở để bán (phường Quảng An, Tây Hồ) của CTCP Đầu tư Xây dựng Gia Lâm với diện tích 10.377m2; dự án xây dựng chung cư bán (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì) do CTCP Xây lắp và xây dựng số 7 làm chủ đầu tư, diện tích đất thu hồi là 2.191m2…
Đặc biệt, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thu hồi đất của 7 tổ chức với tổng diện tích đất 51.000m2. Trước đó, Hà Nội đã “điểm mặt” 10 dự án có vấn đề về hạ tầng và yêu cầu phải hoàn thiện trong quý I-2013.
Tại TPHCM, Sở TN-MT cho biết có đến 30/261 dự án nhà ở với diện tích 384/22.000ha được chấp thuận địa điểm đầu tư, nhưng chưa có quyết định giao đất, sẽ bị thu hồi do có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích đất dự án.
57 dự án đã bồi thường từ 50-80% diện tích, TP chỉ xem xét gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư lần cuối với thời hạn tối đa 12 tháng.
Riêng đối với 123 dự án đã thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng chưa có tiền đầu tư, TP cho phép giãn tiến độ để các chủ đầu tư chuyển nhượng dự án, hoặc liên kết đơn vị khác để thực hiện, chuyển sang sử dụng mục đích khác.
Tại cả anh và ả
Theo nhiều chuyên gia, việc Hà Nội và TPHCM quyết liệt đối với các dự án BĐS là điều không thể tránh khỏi bởi yêu cầu giải cứu thị trường BĐS hiện nay. Nếu tiếp tục để các dự án phát triển không kiểm soát, chắc chắn thị trường sẽ khó đi vào trạng thái cân bằng, thực chất, việc giải quyết các vấn đề yếu kém nổi cộm của thị trường cũng sẽ không được triệt để.
Trên thực tế, việc các chủ đầu tư bán nhà theo kiểu “đem con bỏ chợ” đã trở thành cơm bữa tại Hà Nội và TPHCM. Người dân bắt buộc phải chấp nhận sinh sống trong những khu đô thị không chợ, không bệnh viện, không trường học, thậm chí điện và nước sinh hoạt cũng vô cùng khó khăn.
Nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỷ đồng do các chủ đầu tư “ôm” đất nhưng không triển khai dự án. Nhiều chủ đầu tư cũng đã tiến hành kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặt”, mở bán khi chưa xây xong móng, thậm chí chưa có giấy phép xây dựng.
Chính vì vậy, việc Hà Nội và TPHCM mạnh tay thu hồi, đình chỉ hoặc giãn tiến độ dự án tại thời điểm này vẫn là hơi muộn.
Dự án Hòa Bình Green City, công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn
TP Hà Nội đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng bản thân cơ quan quản lý cũng phải tạo các điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ của mình. Hệ thống thủ tục hành chính quá dày đặc, việc phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn xảy ra khiến nhiều chủ đầu tư phải kêu trời.
Trong vụ việc Hòa Bình Green City, phía chủ đầu tư đã thẳng thắn cho rằng 3 năm nay chủ đầu tư đã bắt tay vào thực hiện các thủ tục hành chính cho việc triển khai dự án. Tuy nhiên, quy trình thực hiện thủ tục hành chính kéo dài là nguyên nhân khiến các giấy tờ liên quan của dự án chậm trễ.
“UBND TP phải ra quyết định để chúng tôi nộp tiền đất thì Sở Xây dựng mới ký giấy phép xây dựng được cho chúng tôi” - ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, cho biết.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với một doanh nghiệp xây dựng nhà giá rẻ tại Hà Nội. Trong khi nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề doanh nghiệp này “trốn” tiền sử dụng đất, giám đốc doanh nghiệp này cho rằng Hà Nội không ra quyết định thì doanh nghiệp muốn nộp cũng chịu. Thậm chí, doanh nghiệp chờ để được nộp tiền sử dụng đất đến “phát nản”.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương bởi các chủ đầu tư muốn làm dự án phải xin địa phương.
Vấn đề hiện nay là phải tiến hành tổng kiểm tra nguồn vốn của các dự án, xử lý nghiêm doanh nghiệp không đủ năng lực cũng như việc lừa đảo, móc ngoặc trong vay vốn. Thậm chí, liên quan đến các báo cáo của địa phương, ông Hùng thẳng thắn: “Chúng tôi không tin vào các con số thống kê hiện nay do các địa phương đưa ra”.
Như vậy, rõ ràng để có thể có được sự “cơm lành canh ngọt” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là điều hoàn toàn không dễ dàng. Những “hủ tục” hành chính làm khó dễ doanh nghiệp đã được nêu ra từ cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay, tình hình được cải thiện thực sự chưa đáng kể.
Đây cũng là một trong những vấn đề cần được cải thiện mà nhiều doanh nghiệp trong các cuộc họp đã kiến nghị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng thời kỳ doanh nghiệp “làm liều”, ăn xổi ở thì gần như đã chấm dứt bởi lẽ yêu cầu trên thị trường BĐS hiện nay đang khiến thị trường ngày một nghiêm khắc và thực chất hơn.
-
Vụ nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Phạm Thanh Tân bị bắt hiện chưa đến hồi kết. <br/br>
-
Vì sao ga Metro đặt sát Hồ Gươm?
Sở QH-KT TP Hà Nội kiến nghị UBND TP chấp thuận địa điểm quy hoạch ga C9 (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), ngay sát Hồ Gươm. Dư luận đang rất băn khoăn vì sao lại chọn đặt ga tàu ở vị trí nhạy cảm như vậy?
-
Thu hồi dự án sử dụng đất sai phạm tại Quảng Ninh: Lãnh đạo tỉnh nói đi liền với hành động
Ngày 20/2, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết, hiện tại quyết định thu hồi đã được triển khai, Sở và Công ty Vimeco đang tính toán các giá trị đầu tư, thiệt hại để giải quyết với nhau sau khi dự án thu hồi giao cho TP Hạ Long quản lý.