26/02/2018 1:15 PM
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị, giai đoạn 2013-2016 tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước cho thấy đã xảy ra nhiều sai sót, bất cập, đặc biệt là tình trạng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 diễn ra phổ biến.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang có dấu hiệu “nhờn” thuốc

Hậu quả của việc này làm phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt, tạo điều kiện cho việc “hợp thức” vi phạm về xây dựng.

Thất thoát ngân sách

Tính riêng tại Hà Nội, theo thống kê năm 2017, lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 17.422 công trình, phát hiện 1.916 công trình vi phạm. UBND quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn đã xử lý 1.571 trường hợp; ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 12 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém nên quá trình triển khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều lần do trùng lắp quy hoạch với các dự án khác hoặc không phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông và xây dựng đô thị.

Đặc biệt, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch của một số dự án tại thành phố lớn không căn cứ vào định hướng quy hoạch chung, đa số tăng, vượt quá số tầng và chiều cao, tăng diện tích sàn chia nhỏ căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích căn hộ công cộng, cây xanh khiến làm tăng mật độ, dân số.

"Điều này ảnh hưởng lớn tới hệ thống hạ tầng đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục, làm giảm chất lượng sống dân cư", Kiểm toán Nhà nước nhận định.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những sai sót trong việc định giá đất. Việc giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên không xác định được giá thị trường. Giá đất xác định theo phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn thị trường, dẫn đến thất thoát ngân sách.

Cụ thể, tại Tp.HCM, nhiều dự án căn hộ kết hợp văn phòng Officetel, diện tích thương mại được chuyển nhượng bán (không phải cho thuê) nhưng thực hiện theo hướng cho thuê trong thời gian 50 năm kể từ khi có quyết định giao đất.

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã cho phép chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở, giảm 27% so với giá đất ở, tương ứng giảm thu ngân sách nhà nước 42,4 tỷ đồng.

Giải pháp mạnh từ chính quyền

Trong bối cảnh trên, từ ngày 15-1-2018 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đã thay thế cho Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, nhiều quy định được đánh giá là giải pháp mạnh để ngăn chặn vi phạm, xóa bỏ việc "phạt để tồn tại".

Theo ông Ngô Xuân Quang - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có 7 chương, trong đó có 3 chương quy định về lĩnh vực trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và bất động sản, xác định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Các hành vi vi phạm được phân theo nhóm chủ đề vi phạm là người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và nhà thầu, tổ chức, cá nhân khác. Trong chương này có các điểm mới, như quy định về khảo sát xây dựng, quy định về lập quy hoạch xây dựng...

Một điểm mới đáng chú ý là thay vì cho phép phạt để tồn tại với một số công trình vi phạm như trước đây, cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ thi công 60 ngày để chủ đầu tư công trình vi phạm điều chỉnh giấy phép, hoặc xin phép xây dựng theo quy định. Nếu sau 60 ngày, chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng phù hợp thì công trình được tiếp tục thi công, nếu không sẽ ra quyết định tháo dỡ.

Đặc biệt, một số vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư vốn là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp, khiếu nại giữa chủ đầu tư với cư dân đã được cụ thể hóa hoặc tăng mức phạt trong Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 250 đến 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp.

Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định hoặc không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định.

Nghị định cũng quy định mức phạt 100-150 triệu đồng nếu chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì chung cư theo quy định.

Ông Đỗ Văn Bình - Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Đỗ Gia nhận xét, nghị định có hiệu lực chắc chắn sẽ mang đến nhiều điều tích cực, trước hết là có tính răn đe với các chủ đầu tư có ý định sai phạm. Thêm vào đó, là cơ sở tạo ra sự minh bạch, yên tâm hơn cho khách hàng khi mua chung cư, hạn chế những mâu thuẫn không đáng có giữa cư dân và chủ đầu tư dự án.

Hồng Hương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.