Phân khúc căn hộ giá rẻ ít xuất hiện trên thị trường bất động săn trong năm 2017. Ảnh: PV
Tổng hợp các số liệu thị trường bất động sản trong năm 2017, 70% nguồn cung mới của thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc trung cấp (khoảng giá từ 20-35 triệu/m2). Tại Hà Nội, các dự án tập trung chủ yếu ở phía Tây và phía Nam thành phố. Còn tại TPHCM, nguồn cung phân bổ ở cả phía Đông, Tây và Nam.
Trong năm 2017, cơ cấu sản phẩm trên thị trường có sự thay đổi. Điều này thể hiện rõ khi nguồn cung căn hộ cao cấp không còn bùng nổ như năm 2016. Ở cả hai thị trường trọng điểm, những dự án cao cấp (mức giá từ 35 triệu/m2 trở lên) không nhiều. Trung bình mỗi quý có từ 1 đến 3 dự án được giới thiệu trên thị trường, có quý thị trường không đón thêm dự án mới.
Tuy nhiên, đáng chú ý, ba tháng cuối năm, căn hộ cao cấp lại áp đảo thị trường Hà Nội và TP.HCM. Đây đều là những dự án đã được lên kế hoạch từ 2016. Bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý, các chủ đầu tư đều chọn giai đoạn cuối năm 2017 để giới thiệu hoặc ra hàng nhằm đón dòng tiền tích lũy và lượng kiều hối đổ về lớn.
Phân khúc căn hộ không tạo nên những đợt sóng về giá như phân khúc đất nền trong năm 2017. Ông Phạm Thành Hưng, phó Chủ tịch HĐQT Cen group cho biết, hầu hết các dự án trong năm 2017 đều tiêu thụ chậm. Nguồn cung lớn khiến việc ra hàng của giới đầu tư khó khăn.
Trong biên độ thời gian từ 3 đến 9 tháng, các dự án trung cấp ghi nhận mức tăng từ 2-5% trên thị trường sơ cấp do chính sách điều chỉnh giá của chủ đầu tư. Như vậy, sau nhiều đợt bung hàng, chính sách tăng giá đẩy giá sơ cấp lên 10-15%.
Ngoài việc các dự án nhà giá rẻ ít xuất hiện trên thị trường thì việc chấm dứt gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ trong vòng 1 năm cũng khiến người mua nhà lâm vào cảnh khốn khó. Với những người thu nhập thấp, điều kiện khó khăn thì để tích lũy được 1 tỉ đồng mua nhà là điều quá xa vời. Tuy nhiên, với tầm khoảng 200-300 triệu đồng tiết kiệm thì họ hoàn toàn có thể nghĩ tới việc mua nhà khi có gói 30.000 tỉ.
Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Quý Duy - Phó GĐ sàn giao dịch BĐS Hải Phát - cho rằng, việc chấm dứt gói 30 nghìn tỉ vào cuối năm 2016 nhưng hiện nay không có gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp thay thế khiến các doanh nghiệp đang triển khai các dự án nhà ở giá rẻ lâm vào cảnh lao đao.
“Vấn đề là người mua nhà dựa phần lớn tài chính vào gói hỗ trợ, tuy nhiên hiện nay gói 30 nghìn tỉ đứt giữa chừng thì khách hàng không biết tìm đâu nguồn tài chính thay thế’, ông Duy nói.