Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị tạm dừng các dự án xây dựng cao ốc trong nội đô Hà Nội (Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009), hàng loạt các cuộc hội thảo, lấy ý kiến của giới doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2010. Ngày 13/4/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 2502/UBND-XD gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục triển khai các dự án đã cấp phép xây dựng, phù hợp với quy hoạch xây dựng Thủ đô.
Ngày 19/7/2010, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 202/TB - VPCP
về chủ trương thực hiện đối với các dự án nêu trên. Theo ý kiến của Thủ
tướng Chính phủ, đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được cấp
giấy phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 (ngày ban hành Văn bản
348/TB-VPCP) có 54 dự án được tiếp tục triển khai ngay. Còn đối với các
dự án xây dựng nhà cao tầng đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu
tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, yêu cầu
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Chỉ có rất ít dự án được khởi động trở lại và tiến độ cũng rất chậm chạp
Theo khảo sát, đến thời điểm này là hơn 3 tháng kể từ ngày Văn phòng Chính phủ ra thông báo tiếp tục cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các dự án cao ốc trong nội đô đến nay, số dự án được khởi động lại chỉ đếm trên đầu ngón tay và tiến độ tại các dự án này cũng hết sức chậm chạp. Thực tế tại một số các dự án đang thi công trở lại như: dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ, dự án cao ốc hỗn hợp số 36 Hoàng Cầu, dự án cao ốc 310 Minh Khai tiến độ xây dựng rất chậm chạp. Các dự án C7 Giảng Võ, I1, I2, I3 Thành Công… vẫn đang trong quá trình thi công móng và tầng hầm. Tuy nhiên, đây là các dự án đã có giấy phép xây dựng và khởi công từ trước tháng 12/2009. Trong khi đó, với nhóm dự án được chấp thuận chủ trương và phê duyệt quy hoạch trước tháng 12/2009 thì chưa có dự án nào được triển khai xây dựng. Tất cả gần 100 dự án còn lại đều “án binh bất động”.
Doanh nghiệp “hết hơi”!
Theo ông Phí Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ngay sau khi Văn phòng Chính phủ ra Thông báo tiếp tục cho phép thực hiện các dự án cao ốc khu vực trung tâm Hà Nội, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành chức năng tiến hành rà soát các dự án. Với những dự án đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn như chỉ đạo của Thủ tướng sẽ cho triển khai ngay. Việc rà soát, quyết định số phận các dự án phải rất thận trọng, phải đạt được “mẫu số chung”, cân đối hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, vì đó là những nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo những nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước.
Ngày 18/10 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội – ông Phí Thái Bình vừa ký thông báo tiếp tục cho phép các chủ đầu tư thực hiện triển khai 56 đồ án, dự án. Trong số các dự án phải nằm im đợi rà soát này có các dự án lớn như: khu nhà ở cao cấp Sky Light của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, cao ốc số 125D Minh Khai; dự án trung tâm TM&DV tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, dự án cao ốc văn phòng 83 Lý Thường Kiệt của Công ty TNHH Phú Điền, dự án Trung tâm thương mại và giới thiệu sản phẩm 25 Lý Thường Kiệt của Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, dự án toà cao ốc văn phòng - thương mại và dịch vụ VIBank số 16 Phan Chu Trinh của Công ty VIBank - NGT… Đến thời điểm này, công trường của nhiều dự án vẫn hoàn toàn im ắng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn cầu, việc tiến hành xây dựng nhà cao tầng trong nội đô thời gian vừa qua hầu hết các chủ đầu tư đều gặp nhiều khó khăn. Một trong những lý do khiến các dự án này “tắc tị” bởi vừa qua Hà Nội mới cho phép một số dự án được tiếp tục thực hiện. Còn nhiều dự án khác phải chuyển đổi thì cơ chế đền bù, chuyển đổi ra sao vẫn chưa có.
Ông Phan Thành Mai – Tổng giám đốc Quỹ đầu tư bất động sản các ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam (Vpreit) cho rằng, một khó khăn nữa với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay là khó khăn về vốn. Trong điều kiện huy động vốn của khách hàng theo Nghị định 71/NĐ – CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 8/8/2010) là hết sức khó khăn thì từ ngày 1/10/2010, Ngân hàng Nhà nước lại nâng tỷ lệ an toàn vốn với các khoản vay đầu tư bất động sản từ 100% lên mức 250% tiếp tục là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong việc tìm vốn đầu tư cho các dự án.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một doanh nghiệp có dự án xây nhà cao tầng trong nội đô (đề nghị không nêu tên) cho biết, theo Thông báo 202/TB-VPCP, đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch trước ngày 9/12/2009, phải xem xét lại. Nhiều doanh nghiệp đang phải tiến hành làm thủ tục xin phép đầu tư dự án lại từ đầu. Các doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực để vượt qua các quy trình, thủ tục để dự án được tiếp tục. Đó là lí do vì sao thời gian vừa qua các dự án xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô phải “án binh bất động”. Cùng với đó là sự trầm lắng cả thị trường chung cư cao cấp, giá cho thuê văn phòng giảm… khiến nhiều dự án tiếp tục phải giãn, hoãn tiến độ khởi công. Thậm chí nhiều dự án tới đây sẽ phải bán lại cho các chủ đầu tư khác vì đến nay doanh nghiệp không còn đủ sức để thực hiện xây dựng, ông này cho biết./.