CafeLand – Việt Nam từng là quốc gia thu hút giới đầu tư Trung Quốc trong phân khúc căn hộ cao cấp nhờ mức giá rẻ. Nhưng hiện tại, số lượng nhà đầu tư này giảm đáng kể vì hộ chiếu của họ có bản đồ thể hiện sự xâm phạm lãnh thổ trên Biển Đông hay còn gọi là “đường lưỡi bò”.

Theo Khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cá nhân nước ngoài khi mua nhà phải xuất trình hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi hộ chiếu Trung Quốc mô tả quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp là lãnh thổ của quốc gia này, người dân Trung Quốc đã khó khăn trong việc đảm bảo quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.

Vào năm 2012, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo không đóng bất kỳ dấu nào của Việt Nam lên mẫu hộ chiếu có đường lưỡi bò, thay vào đó người nhập cảnh sẽ được cấp thị thực rời.

Điều này, theo ông Đam, một mặt vẫn tạo điều kiện cho công dân Trung Quốc làm việc hoặc du lịch, giao lưu với người dân Việt Nam, mặt khác thể hiện rõ chính kiến của Chính phủ Việt Nam.

Hộ chiếu của công dân Trung Quốc không được đóng dấu xuất, nhập cảnh ở Việt Nam.

Những người trong ngành cho biết, những căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với phân khúc căn hộ hạng sang tại Việt Nam.

Ông Andy Han, Giám đốc điều hành của SonKim Land, một trong những nhà phát triển bất động sản phân khúc cao cấp tại TP.HCM, cho biết: “Người mua đến từ Hồng Kông và Trung Quốc là nhóm khách hàng nước ngoài lớn thứ ba của công ty. Họ mua các căn hộ cao cấp với mức giá 200.000 USD đến 500.000 USD, chiếm 20% trên tổng doanh số. Tuy nhiên, việc hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò đã ảnh hưởng đến 10% doanh số đó”.

Mặc dù giới đầu tư ở Trung Quốc giảm, nhưng Việt Nam vẫn là nơi thu hút khách hàng đến từ Hồng Kông và các nước châu Á khác vì giá của một căn hộ cao cấp ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các quốc gia này. Điều này giải thích lý do tại sao người nước ngoài nói chung và người Hồng Kông nói riêng đổ xô mua các dự án căn hộ cao cấp ở TP HCM.

Giá nhà ở TP.HCM so với các quốc gia khác. Nguồn: CBRE.

“Các căn hộ cao cấp nằm ở trung tâm của các thành phố lớn của Việt Nam có giá bằng khoảng một nửa giá căn hộ tương đương ở Bangkok, và chưa bằng 10% so với giá bất động sản ở Hồng Kông”, theo Kenneth Kent, Tổng giám đốc Tập đoàn REA tại Hồng Kông.

Từ năm 2015, các công ty kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đã bắt đầu cung cấp 30% số căn hộ trong một dự án cho người nước ngoài.

“Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật cho phép người nước ngoài mua căn hộ, và sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ trong một chung cư. Điều này kích thích các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới thị trường bất động sản ở Việt Nam”, ông Han nói.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị cuốn hút vào Việt Nam nhờ tăng trưởng kinh tế xuất sắc với mức trung bình 6,55% trong năm năm qua. Việt Nam có mật độ dân số trẻ và còn là đối tác sản xuất hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực.

Giá tăng, nguồn cung giảm

Theo nghiên cứu thị trường mới nhất của Savills Việt Nam, trong quý 2/2019 phân khúc căn hộ hạng sang đã chứng kiến sự tăng giá khá mạnh kèm tỷ lệ mua cao, trung bình 8-12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, phân khúc hạng sang có dấu hiệu sụt giảm về nguồn cung.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng về giá của các dự án chung cư cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội cao hơn khi so sánh với các thị trường lân cận như Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Hồng Kông nhưng mức giá tại hai thành phố này khá thấp.

Cụ thể, giá căn hộ cao cấp tại khu trung tâm TP.HCM từ 7.500-12.000 USD/m2, chỉ bằng khoảng 16% so với Hồng Kông (45.500 USD/m2) - nơi giá nhà thuộc hạng đắt đỏ nhất thế giới. Trong khi đó, giá chung cư cao cấp và hạng sang hiện nay ở Hà Nội chỉ từ 3.000 - 5.000 USD/m2.

Do đó, căn hộ hạng sang và cao cấp tại Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm lớn nhất từ khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore,…

Hệ lụy từ “đường lưỡi bò”

Những ngày qua, không ít các doanh nghiệp Việt đã liên tiếp bị dính phốt có hình ảnh bản đồ “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc bị lồng ghép vào hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của mình.

Điển hình ngày 14-10-2019, Công ty CJ CGV Việt Nam thu hồi tất cả các ấn phẩm quảng cáo, trailer của bộ phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

Vào ngày 17-10-2019, công ty du lịch lữ hành Saigontourist phải hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc do hai trang cuối của cuốn sách giới thiệu về tour đi Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc có bản đồ in hình “đường lưỡi bò”.

Tiếp đó ngày 18-10-2019, Công ty Kylin – GX688 nhập khẩu và phân phối các mẫu xe hơi từ Trung Quốc đã bị phát hiện có bản đồ có “đường lưỡi bò” trên hệ thống định vị cài sẵn trên xe và buộc phải gỡ bỏ tất cả ứng dụng để có thể tiếp tục kinh doanh.

Có thể thấy sự cố về “đường lưỡi bò” xảy ra khiến các doanh nghiệp Việt thiệt hại không nhỏ về kinh tế vì phải hủy bỏ sản phẩm và ngừng cung cấp dịch vụ.

Thảo Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.