28/04/2014 10:21 AM
Không thể tin được, có hai căn nhà cùng như nhau, nằm ở hai con hẻm cùng bằng nhau, cùng nằm trên một tuyến đường, cách nhau vài chục mét nhưng giá bán chênh lệch vài trăm triệu, nhiều khi cả tỉ đồng.

Một con hẻm trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Ảnh: TL

Là người môi giới nhưng tôi cũng không thể ngờ chuyện khó tin vậy lại xảy ra, và bản thân cũng không biết đâu là nguyên nhân. Đó là tâm sự của anh Nguyễn Trung Hiếu, chuyên nghề môi giới bất động sản ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận.

Mới nghe qua lời anh Hiếu chắc khó có ai tin được. Thế nhưng đi sâu tìm hiểu, phóng viên mới tin đó là sự thật. Và nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giá như vậy là do cái thời nhà trong hẻm lớn, hẻm thông là cao giá đã qua.
Ở các quận gần khu trung tâm TP.HCM hiện nay như Phú Nhuận, Bình Thạnh hay quận 10… nhà trong hẻm càng văn minh, càng yên tĩnh mới kêu giá cao được mà thôi, dù hẻm có nhỏ đi đôi chút.

Người ta thích cái sự văn minh, yên tĩnh không đâu khác là do có rất nhiều con hẻm ở TP.HCM hiện nay, người dân ngang nhiên xem hẻm là của mình. Ăn cũng kê bàn ra hẻm ngồi ăn, uống cũng kê bàn ra hẻm ngồi uống. Vừa ăn uống, vừa tán chuyện inh ỏi xóm làng, nhưng vẫn xem là chuyện thường ngày ở huyện, ở làng. “Chính chuyện sinh hoạt như vậy đã làm con hẻm rớt giá thê thảm so với các hẻm lân cận. Đúng là “làng” trong phố là cắn lưỡi”, anh Bùi Xuân Trung, ngụ ở một con hẻm trên đường Huỳnh Văn Bánh, bức xúc.

Theo anh Trung, trước đây đất và nhà trong con hẻm của anh có giá không thua gì các con hẻm lân cận. Thế nhưng, kể từ khi con hẻm có nhiều hộ cho thuê nhà trọ, rồi hay do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều hộ tăng nhân khẩu (con cái kéo về ở chúng với cha mẹ), khiến con hẻm lúc nào cũng ồn ào, rác rến đầy hẻm nhìn phát sợ.
Muốn bán nhà, đổi chỗ khác nhưng khi treo bảng người ta vào trả giá chưa bằng 2/3 giá của các con hẻm lân cận, đành thôi. “Lỗi cũng tại mình, khi mua không đi xem nhà vào lúc chiều tối hay sáng sớm (khi hàng quán buôn bán) mà lại xem nhà vào buổi trưa nên không thấy hết những bất cập trên”, anh Trung tâm sự.

Chuyện “làng” trong phố, khiến không ít con phố rớt giá thê thảm không chỉ xảy ra ở các con hẻm ở khu vực trung tâm kể trên mà còn xảy ra ở hầu hết các quận mới của TP.HCM.

Xưa kia, ở quận Bình Tân, ai cũng biết đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hoà) là con đường có giá nhất trong khu vực. Vậy mà, từ khi khu dân cư Tân Bình (chủ đầu tư là khu công nghiệp Tân Bình – phường Bình Hưng Hoà) nằm sát bên con đường Phan Đăng Giảng hình thành, thì giá nhà đất ở con đường này rớt thê thảm, trong khi đây là con đường chính trong khu vực. Trong khi, giá nhà đất trong khu dân cư Tân Bình, ngày càng tăng.

Theo ông Đỗ Tấn Đam, người dân trong khu dân cư Tân Bình, sở dĩ giá nhà đất trong khu vực ông sinh sống tăng mạnh là do người dân trong khu dân cư không bao giờ lấy vỉa hè làm đường, không lớn tiếng vào giờ nghỉ ngơi và quan trọng hơn cả là khu dân cư luôn đề cao sự văn minh, sạch đẹp và xem đó là chuyện của mọi người.

Xem ra lời anh Trung phán: “làng” trong phố là cắn lưỡi quả không ngoa!

Đào Lê (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.