05/11/2013 9:27 AM
CafeLand - Sau một thời gian phát triển ồ ạt bất chấp nhu cầu thực của xã hội, thị trường bất động sản đã phải trả giá. Khắp nơi người ta chứng kiến những thành phố ma, những ngôi nhà bỏ hoang hàng chục năm trời. Hàng trăm nghìn tỷ đồng của xã hội đang nằm trong những tài sản không sinh lời.

Dù có hạ tầng hoàn chỉnh, đất vẫn xanh cỏ (Thủ Thiêm, Quận 2). Ảnh: Trần Kiều

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 4.015 dự án nhà ở đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 4.487 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào các dự án này mới chỉ khoảng 774.707 tỷ đồng, đạt 17,26%. Con số gần 4,5 triệu tỷ cao gấp 1,5 lần tổng tín dụng trong nền kinh tế hiện nay. Do vậy, để triển khai hết các dự án này phải cần đến hàng chục năm nữa. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm này thì chúng ta đã chứng kiến việc hàng tồn kho chất đống trên thị trường với hàng loạt khu đô thị bỏ hoang, trăm nghìn tỷ đồng đã bị chôn vùi vào bất động sản.

Tại Hà Nội, ở các khu đô thị ngay sát trung tâm thủ đô là Linh Đàm hay Pháp Vân có hàng loạt biệt thự chưa hoàn thiện với giá trị hàng chục tỷ đồng đang bị bỏ hoang nhiều năm. Xa hơn một chút chúng ta cũng thấy một số khu đô thị tại Long Biên, Thanh Trì, Nam Thăng Long số nhà bỏ hoang cũng vô số kể. Còn tại các khu vực phụ cận trung tâm Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc thì tình trạng hoang hóa càng trở nên trầm trọng.

Tại TPHCM, tình rạng cũng không khác gì hơn. Chẳng hạn, tại Thủ Thiêm có 7 dự án khu dân cư, cao ốc thương mại, trường học… tuy đã giải phóng mặt bằng cách đây 2-4 năm nhưng nmay vẫn là những bãi cỏ mọc um tùm. Ngoài ra, thì cũng không khó để tìm ra các khu đô thị tại Quận 9, Quận 8, Quận 2, Quận 7… tuy đã có cơ sở vật chất đầy đủ nhưng phần lớn các căn nhà ở đây đều chưa hoàn thiện và chưa có người ở. Thậm chí, rất nhiều dự án căn hộ đã hoàn thiện 5-6 năm nhưng số người vào ở cũng hết sức thưa thớt.

Đặc biệt, tại khu đô thị được xem thành phố vệ tinh của TPHCM và một thời gây sốt trên thị trường bất động sản là Thành phố Nhơn Trạch cũng đang ở trong tình trạng “Thành phố ma”. Đây là khu đô thị được kỳ vọng rất lớn vì gần dự án Sân bay Long Thành, nằm trên đường vành đai kết nối với TPHCM. Tuy nhiên, dù được triển khai hàng chục năm nay và có cơ sở hạ tầng khá đầy đủ nhưng vẫn gần như không có bóng người. Kế hoạch năm 2010 Nhơn Trạch trở thành khu đô thị sầm uất đã không thực hiện.

Theo thống kê của các công ty nghiên cứu bất động sản, hiện nay cả nước đang tồn kho hàng trăm nghìn căn hộ trên thị trường sơ cấp. Nếu tính cả những bất động sản thứ cấp do những người đầu cơ muốn bán lại thì con số này có thể gấp đôi. Kết quả khảo sát của một số công ty nghiên cứu bất động sản cho thấy có tới gần 90% người mua bất động sản trong thời kỳ sốt giá đều nhằm mục đích đầu cơ. Điều này đã tạo ra bong bóng cho thị trường bất động sản. Giá nhà lên quá cao đã làm cho phần lớn người có nhu cầu thực sự không thể tiếp cận được với nhà ở.

Thống kê khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cho thấy giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp này lên tới hơn 90 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng vốn chủ sở hữu. Với tốc độ bán hàng hiện nay của các doanh nghiệp thì phải mất 5-7 năm nữa thì các doanh nghiệp mới tiêu thụ hết số tồn kho này.

Tồn kho lớn, khu đô thị “ma” là hệ quả tất yếu bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản và khó khăn của nền kinh tế. Chính việc ảm đạm của thị trường bất động sản đã tác động ngược lại đối với nền kinh tế bởi một phần rất lớn nguồn lực đang nằm chết.

Dưới cơn sốt của bất động sản và lợi nhuận hấp dẫn hàng loạt dự án bất động sản ra đời. Hàng trăm nghìn ha đất của người nông dân bị thu hồi để phát triển đô thị. Người nông dân mất đất không thể sản xuất nhưng khu đô thị thì hàng chục năm vẫn chưa thể triển khai và chưa thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng, biệt thự, chung cư nhưng lại chưa được đem vào sử dụng.

Như vậy, nguồn lực xã hội đang được sử dụng một cách lãng phí. Không chỉ có vậy, nợ xấu bất động sản ngày càng tăng cao đe dọa ổn định của hệ thống tài chính. Với hiện trạng này bất động sản còn phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.