Đó là ngoài việc khu biệt thự này được bố trí là trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1, thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn bố trí và ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại đây. Việc cho thuê nhà đất này đã được các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến. Cụ thể, trên cơ sở ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 20-9-2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục sử dụng khu đất này làm trụ sở làm việc, nhưng phải di dời, chấm dứt việc cho thuê nhà đất tại đây để quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Quyết định 09/2007/QĐ-TTg. Song đề nghị này đã không được thực hiện, nên khi ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi không gánh nổi sức nặng thời gian phải sụp xuống thì việc tập trung đông người dân ở các căn hộ dày đặc xung quanh tất yếu kéo theo hậu quả đau lòng.
Nhìn rộng hơn từ sự việc này, câu chuyện DN và cả cơ quan Nhà nước tùy tiện cho thuê đất - không phải là cá biệt. Trên cơ sở đi kiểm tra về việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước ở 30/47 bộ ngành, tổ chức và 10/17 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ở TP.HCM, Bộ Tài chính cho biết - trong tổng số 1.542 cơ sở nhà đất riêng ở TP.HCM mà các cơ quan, DN đang nắm - chỉ thu hồi được 67 trường hợp, chuyển mục đích sử dụng 50 trường hợp và chuyển giao ngành nhà đất TP.HCM quản lý 214 trường hợp. Không ít bộ, ngành vẫn cho thuê, liên doanh liên kết đất, nhà cửa... thuộc sở hữu Nhà nước không đúng quy định sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt xong phương án sắp xếp lại. Ngoài ra còn có 97 trường hợp nhà đất, cơ sở ở TP.HCM phải đề nghị tạm giữ lại tiếp tục sử dụng là do các đơn vị đã bố trí hộ gia đình ở đan xen trong trụ sở, cho thuê hoặc có liên quan quy hoạch của thành phố.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, việc sử dụng đất công cho thuê cũng không phải là cá biệt, càng không riêng với DN mà cũng cả ở các cơ quan Nhà nước…
Nhìn thẳng thực tế, việc cho thuê đất không chỉ gây thiệt hại cho đất nước, mà còn kéo theo những sự việc phát sinh khó kiểm soát và gây mất ổn định trong phát triển.
Đất đai là tài sản chung của toàn xã hội được giao cho nhà nước quản lý, điều tiết. Cho nên nếu DN và cơ quan nào cũng muốn giữ lại đất công rồi dùng nó làm công cụ để “đẻ ra vàng” – thì chỉ là kiểu làm giàu xổi mà cũng không thật sự phát huy hết được giá trị của đất đai.
Phải chăng đã đến lúc cần những giải pháp “mạnh” hơn để chấm dứt kiểu ôm đất công mà sử dụng kém hiệu quả hiện nay?