Dấu hiệu giảm phát đã khá rõ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh này, nên chăng Chính phủ cần gấp rút xoay chuyển định hướng chính sách, tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế?
Cần phải nói thêm rằng, chống lạm phát vẫn là “cuộc chiến” trường kỳ của nước ta. Chắc chắn năm nay, lạm phát sẽ ở mức khống chế, nhưng dù vậy, con số lạm phát khoảng 9% còn cao gấp 2-3 lần so với thế giới, vẫn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm hiện nay là cơ hội tốt để “kích” sản xuất phục hồi.
Trên thực tế, trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã thể hiện sự chuyển hướng ở chỉ đạo: tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm. Hai động tác đầu tiên của sự chuyển hướng này là tung ra gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng và áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên.
Được đánh giá tích cực, nhưng những động thái trên chưa đủ sức cứu doanh nghiệp. Đặc biệt, trần cho vay đã có, song số doanh nghiệp được tiếp cận vốn ưu đãi lại chưa được bao nhiêu. Vì vậy, để tăng cường niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, ngoài giảm lãi suất, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh tay hơn để bơm vốn ra thị trường. Nói cách khác, trong lúc này, có lẽ chỉ Chính phủ mới cứu được doanh nghiệp thông qua các biện pháp tiếp theo như hạ nhanh lãi suất, mạnh tay mua lại các khoản nợ, đứng ra bảo lãnh một số doanh nghiệp để ngân hàng đẩy mạnh cho vay...
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trước khi tính đến việc mở rộng đối tượng áp trần lãi suất cho vay, phải đảm bảo chính sách hiện nay có hiệu lực, không để trần lãi suất cho vay chỉ nằm ở chủ trương, chính sách. Các ngân hàng cũng phải công khai các tiêu chí cho vay, doanh nghiệp trên căn cứ đó để vay vốn, thậm chị có thể “kiện” ngân hàng. Vài tháng nữa, nếu tình trạng vốn tắc hiện nay không được cải thiện, thì khi đó, doanh nghiệp sẽ buông xuôi và dĩ nhiên, hậu quả đối với nền kinh tế là khó lường đoán.