"Tậu được trâu nhưng thiếu tiền mua dây thừng"
Tuyến đường Nha Trang- Đà Lạt được hình thành từ tuyến đường tỉnh lộ 723 của Lâm Đồng và tỉnh lộ 2 của Khánh Hòa còn được gọi với nhiều cái tên mỹ miều “cung đường xanh Tây Nguyên”, “đường Hoa Biển” (nối thành phố hoa và thành phố biển).
Theo quy hoạch của hai tỉnh, cung đường liên tỉnh này có tổng chiều dài khoảng 140km. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành, du khách thay vì vòng vèo 230km ở đường cũ thì chỉ mất khoảng chưa đầy 3 giờ chạy xe để có thể: “sáng tắm biển Nha Trang, trưa ngắm hoa ở Đà Lạt”.
Cung đường được khởi công từ năm 2004 nhưng cho đến nay mới hoàn thành được 3 đoạn với tổng chiều dài 130 km gồm: Đoạn từ Đà Lạt đến đỉnh Hòn Dao giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa; đoạn từ đỉnh Hòn Dao đến Khánh Lê (thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa); Đoạn 3 từ Khánh Lê đến Cầu Lùng (huyện Diên Khánh).
Đoạn còn lại khoảng 10 km (từ Cầu Lùng- Cao Bá Quát thuộc thành phố Nha Trang) dẫm chân tại chỗ từ nhiều năm nay. Theo tìm hiểu của PV, đoạn đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định cho phép đầu tư từ năm 2002. Đến năm 2008, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt dự án theo quyết định số 2075/QĐ-UBND.
Tiếp đó, xét sự cần thiết của dự án, tháng 12.2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) và được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện.
Tuyến đường mới...
Mặc dù các thủ tục, chủ trương đã có nhưng kể từ năm 2008 đến nay, dự án đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát hầu như chỉ được khởi động trên giấy và không có bất cứ động thái nào trên thực địa.
Ghi nhận của PV cho thấy, đường mới Đà Lạt -Nha Trang khi đến địa phận tiếp giáp với xã Diên Thành, huyện Diên Khánh (Cầu Lùng) trở thành con đường cụt. Du khách sau khi nếm trải cảm giác thăng hoa trên cung đường đẹp từ Đà Lạt về đến Diên Khánh lại phải trầy trật băng theo đường QL 1A và QL 1C để đi vào thành phố Nha Trang. Do lưu lượng giao thông lớn, lại giao với đường sắt nên chặng đường này dù chỉ dài hơn 12km nhưng nhiều khi các tài xế phải mất tới nửa giờ để vào thành phố do ách tắc giao thông giờ cao điểm tại nút giao Ba Thành và Mã Vòng.
Một tài xế chuyên chở khách du lịch ở Nha Trang ví von một cách hài hước: “Không biết các ổng quy hoạch kiểu gì mà đường Nha Trang- Đà Lạt giờ giống như chiếc áo rét may xong, dù rất đẹp nhưng lại thiếu mất khuy cổ”.
Và những hệ lụy do quy hoạch đường dang dở
Theo tìm hiểu của PV, việc dự án đường Cao Bá Quát – Cầu Lùng bị “treo” hơn 5 năm qua không chỉ gây khó khăn trong lưu thông mà còn để lại nhiều hệ lụy.
....và đoạn đường cụt đầy hệ lụy
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án nói trên được coi là xương sống để phát triển huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang về phía Tây và phía Nam. Cùng với việc đầu tư xây dựng con đường, các địa phương này sẽ hình thành và phát triển hàng loạt chuỗi khu đô thị, khu công nghiệp...
Dự án này cũng phù hợp với định hướng phát triển Khánh Hòa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Bộ Chính trị kết luận. Theo đó, toàn bộ trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển về phía tây thành phố Nha Trang. Cùng với dự án Cầu Lùng- Cao Bá Quát sẽ phát triển thành một giải khu đô vừa phục vụ quy hoạch giãn dân đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo ra cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải thiện tình trạng úng ngập vào mùa mưa trên tuyến đường 23-10 và các cửa ngõ vào thành phố Nha Trang.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc chưa hoàn thành 10km đường còn lại của dự án đường Nha Trang- Đà Lạt không chỉ ảnh hưởng tới quy hoạch đường mà còn ảnh hưởng chung tới quy hoạch phát triển chung kinh tế xã hội của cả thành phố Nha Trang và cả tỉnh Khánh Hòa nói chung. Vì không hình thành được đường nên các quy hoạch khác cũng dẫm chân tại chỗ.
Một số người dân ở xã Diên Thành, huyện Diên Khánh cho biết, từ nhiều năm nay họ không thể xây cất nhà do vướng quy hoạch, muốn chuyển đổi các phương thức sản xuất kinh doanh cũng không xong vì chưa có phương án đền bù thu hồi đất. “ Đi cũng dở ở không xong” là tình trạng chung của hàng ngàn người dân trong khu vực ảnh hưởng của dự án thuộc các xã, phường thuộc huyện Diên Khánh và Khánh Hòa.
Dự án “treo” vì không bố trí được vốn Trao đổi với PV, ông Huỳnh Hòa- Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, dự án đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát có chiều dài toàn tuyến gần 10km và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2008. Dự án không thể triển khai là do vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc thực hiện dự án theo hình thức BT và nguồn vốn đầu tư. Mặc dù dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 không thể bố trí cho dự án. “Dự án bị treo nhiều năm đã và đang gây không ít khó khăn trong việc hoạch định các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hiện chúng tôi đã tìm cách để tháo gỡ”, ông Hòa nói. |