21/04/2018 8:19 PM
Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô với mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau hơn 10 năm để 134ha đất trống. Dự án bị thu hồi cũng là lúc người dân trong vùng giải tỏa sống trong thấp thỏm, đối diện với đói nghèo.
Nhà cửa lụp sụp, bỏ hoang trong vùng dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô
“Sống thế này chúng tôi biết lấy gì ăn”
Hơn nửa tháng nay, người dân xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) sống trong lo âu, ăn không ngon ngủ không yên khi hay tin dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô bị thu hồi. Đi quanh khu vực này, chúng tôi chứng kiến những ngôi nhà lụp sụp, một số căn bỏ hoang, vườn tược trống trơn, trơ sỏi đá.
Trong ngôi nhà tuềnh toàng, tường cũ kỹ, ông Nguyễn Cao Ký (ngụ thôn Đồng Bé) bảo, gia đình có gần 700m2 đất, vợ chồng xây tạm ngôi nhà cấp bốn. Hơn 10 năm trước, chính quyền bất ngờ thông báo khu này được quy hoạch làm dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.
Lúc ấy, vợ chồng ông hoang mang, nhưng rồi cũng phải chấp nhận. Họ đồng ý sẽ đến nơi mới sống, cách chỗ cũ hơn 3km, với diện tích đất hẹp gần 200m2 được nhà đầu tư cấp. Tuy nhiên, giá đền bù giải phóng mặt bằng cùng các tài sản liên quan gia đình ông với chủ đầu tư chưa đi đến thống nhất.
“Chúng tôi cũng muốn đi, nhưng họ chưa trả tiền nên phải nhập nhằng thời gian dài. Suốt 1 thời gian dài nơi đây vướng quy hoạch nên không trồng trọt, không chăn nuôi, không sửa chữa, cái gì cũng không. 10 năm chờ dự án để có một nơi ổn định, nhưng giờ lại rơi vào cảnh ở không được, đi cũng không xong, bởi dự án thu hồi tiền đâu ra mà trả, rồi lại rơi vào cuộc sống tạm bợ như lâu nay”, ông Ký buồn bã nói.
Cách nhà ông Ký chừng 200m, bà Đỗ Thị Kim Uyên cho biết: “Dự án chưa thấy triển khai nhưng đường sá trước nhà tôi đã bị đào lên hết, đào xong họ chả làm gì nữa cứ để đường ngổn ngang không chịu trải nhựa gì cả, xe chạy cả ngày, bụi bặm bay vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình. Nhà cửa xuống cấp dột nát cũng không cho sửa sang, xây mới lại”.
Chung cảnh nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa, ông Châu Đức Lợi, bức xúc: “Giờ dân chúng tôi cũng bơ vơ không biết có di dời hay là không. Sắp đến đây chúng tôi sẽ làm đơn kiến nghị lên UBND huyện Đông Hòa để có câu trả lời chính xác cho dân. Nếu không đi nữa thì để tôi sửa lại nhà, làm chuồng trại để chăn nuôi, chứ cứ sống thế này chúng tôi biết lấy gì ăn”.
Trong khi đó, số đông người dân đã chuyển đến khu tái định cư. Ngoài ổn định cuộc sống, cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhưng họ phải đối mặt nhiều lo ngại. Nhận 520 triệu đồng từ tiền đền bù cùng mảnh đất gần 200m2 ở khu tái định cư, gia đình bà Châu Thị Hưởng dựng nhà, rồi một ít để lại lo chi tiêu. Tuy nhiên, gia đình đang đối diện với tình trạng thiếu việc làm.
Đường sá trong vùng dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô bị đào bới
“Hồi ở chỗ cũ, gia đình tôi có gần 3.000m2 đất canh tác làm nông, trồng cây. Các con xúm vào làm chung. Tuy nhiên, từ khi về nhà mới thì đất hạn hẹp, không làm được. Bây giờ, cả nhà tôi ai thuê gì cũng làm để kiếm cái mưu sinh, khổ trăm bề. Chúng tôi cứ nghĩ dự án hình thành, rồi con cháu chúng tôi được tuyển vào làm, ai ngờ bây giờ lại dừng như thế này”, bà Hưởng cho biết.
Sẽ có dự án khác đầu tư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô do Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11/2007. Ngành chức năng, địa phương Phú Yên nỗ lực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Trong đó, đã bàn giao 134ha để chủ đầu tư triển khai khu vực cảng nước sâu Bãi Gốc.
Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã nâng số vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD và chính thức động thổ vào tháng 9/2014, với công suất nhà máy dự kiến 8 triệu tấn/năm. Tại lễ động thổ, nhà đầu tư cam kết đến năm 2019 dự án sẽ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, nhà đầu tư có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án với lý do khó khăn về kinh tế. Đến cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định thu hồi dự án này.
Theo ông Lê Văn Dãng - Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, toàn xã có 3 thôn Đồng Bé, Phước Long và Phước Tân, với diện tích đất 538ha nằm trong vùng dự án. 134ha đã được giao để thực hiện giai đoạn 1 với 200 hộ dân di dời sang khu tái định cư. Những diện tích này phần lớn là đất nông nghiệp, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và đất thổ cư, thế nhưng giờ cũng chỉ là những bãi đất hoang, đất bạc màu.
“Thiếu việc làm, gặp khó khăn về kinh tế là tình cảnh chung của bà con nơi đây. Đã vậy, cả 10 năm không được triển khai, dân số phát triển, trẻ em không có trường mẫu giáo đành phải học ở nơi khác cách đó hơn 3km”, ông Dãng cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Tiến - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô chấm dứt triển khai thì vẫn có các dự án khác đăng ký đầu tư trên vùng đất này. Bởi nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu công nghiệp lọc hóa dầu.
“Hiện tại, UBND tỉnh đã thu hồi 134ha mặt bằng sạch và đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2. Tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Hòa Tâm, hoàn thiện dự án khu tái định cư Phú Lạc để phục công tác di dời và tái định cư cho hộ bị ảnh hưởng”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, hiện địa phương đã lập phương án bồi thường và tái định cư cho 31 hộ thuộc giai đoạn 2. Tổng kinh phí phần còn lại khoảng 55,3 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính tiếp tục sắp xếp nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng sạch khu vực này.
“Huyện đang tập trung, lập thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường theo đúng quyết định phê duyệt giá đất cụ thể và đơn giá giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc đã được tỉnh phê duyệt”, ông Tiến cho biết.
Thắng Mỹ (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.