Mặc dù đã xây dựng hai cơ sở khám, chữa bệnh ở khu vực ngoại thành, nhưng Bệnh viện K ở phố Quán Sứ (Hà Nội) vẫn chưa được di dời.
Di dời nhưng không bàn giao
Thực hiện Luật Thủ đô, ngày 23-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề và các cơ quan, đơn vị nằm trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên tiến độ triển khai hiện rất chậm. Phần lớn các cơ sở sau khi di dời không bàn giao quỹ đất cho thành phố.
Theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho đến nay, có tám bệnh viện đã, đang thực hiện việc di dời, trong đó có Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…, nhưng vẫn sử dụng cơ sở cũ ở nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho thành phố. Trong đó, Bệnh viện K dù đã có thêm hai cơ sở điều trị mới ở Tam Hiệp và Tân Triều (huyện Thanh Trì), nhưng vẫn duy trì hoạt động cơ sở chính ở phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Địa điểm xây dựng trụ sở các bộ, ngành đã được quy hoạch tập trung tại khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây và tại Mễ Trì. Hiện đã có chín cơ quan di dời nhưng có đến bảy cơ sở giữ lại làm trụ sở hoặc giao cho cơ quan chủ quản quản lý, mà không bàn giao diện tích cũ trong nội đô cho thành phố. Hai cơ sở còn lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án nhà ở, văn phòng thương mại cao tầng.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết: Tại Quyết định số 130, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ: Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính chủ trì xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi khu vực nội thành. Nhưng đến nay các nội dung này chưa được các bộ trình Chính phủ phê duyệt, cho nên việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố chưa thực hiện được. Mặt khác, mặc dù quy định di dời các cơ sở nằm trên địa bàn 12 quận nội thành, nhưng trên thực tế mới có các cơ sở nằm trên địa bàn bốn quận nội thành (khu vực lõi đô thị) thực hiện di dời. Vì thế, thành phố không có thêm quỹ đất để làm các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Quá tải khu vực nội thành
Quyết định số 130 nêu rõ, sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều diện tích của các cơ sở công nghiệp sau khi di dời đều được chuyển sang xây dựng các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại thu hút nhiều người đến sinh sống trong khu vực nội thành. Trong danh mục dự án cơ sở sản xuất công nghiệp chuyển đổi chức năng trong khu vực nội thành (sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130) mới được thành phố phê duyệt từ năm 2015 đến nay, có nhiều dự án xây dựng khu hỗn hợp nhà ở, văn phòng, dịch vụ trên nền các nhà máy, xí nghiệp cũ. Thí dụ, trên diện tích cũ của Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tại 47 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân đang có dự án xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn. Tại 107 đường Nguyễn Tuân của Công ty cổ phần In và thương mại Thống Nhất dự kiến sẽ hình thành khu nhà ở hỗn hợp. Hay tại số 32 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã được chấp thuận tổng mặt bằng để xây dựng dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại… và hàng chục dự án khác tương tự. Những dự án này sau khi hoàn thành, chắc chắn sẽ thu hút thêm hàng chục nghìn người dân đến sinh sống, làm việc, mua sắm… sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể khu vực, ảnh hưởng lớn đến hạ tầng chung quanh.
Tại buổi giám sát về việc thực hiện quy hoạch theo Luật Thủ đô, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chỉ rõ, Luật Thủ đô không cho phép mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có nhưng một số cơ sở y tế nằm trong diện phải di dời khỏi nội đô vẫn tiến hành xin cải tạo, chỉnh trang. Cùng với đó, diện tích di dời một số cơ quan để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng lại chuyển sang xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại là nguyên nhân gây tình trạng gia tăng dân số đột biến, từ đó gây quá tải hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật của thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Để thực hiện nghiêm túc Quyết định số 130 của Thủ tướng, nhằm giãn dân số, giảm áp lực về hạ tầng cho Hà Nội, các bộ, ngành chủ quản của các cơ sở phải di dời cần chủ động phối hợp với UBND TP Hà Nội thực hiện di dời các đơn vị cơ sở trực thuộc, bảo đảm tiến độ, lộ trình và kế hoạch thực hiện di dời. Về phía thành phố Hà Nội, cần chủ động hơn trong đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt. Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.