CafeLand  - Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, dòng vốn từ các nhà đầu tư Nhật đổ vào Việt Nam vẫn gia tăng mạnh mẽ, dòng vốn này được dự báo sẽ chảy vào Việt Nam mạnh hơn khi những rào cản về cách ly và hạn chế đi lại do đại dịch được dỡ bỏ.

Thông tin trên được ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của Recof Corporation đưa ra tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 - năm 2020 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức.

Ông Yoshida cho biết, thời gian qua có xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ với giá trị giao dịch đạt 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017. Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam.

Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn M&A năm 2020

Trong 10 tháng đầu năm nay, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore. "Mặc dù sụt giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng nếu xét tổng số lượng giao dịch ra nước ngoài của Nhật giảm 33% trong giai đoạn này. Mức giảm 25% của Việt Nam không chỉ thấp hơn mức trung bình nói trên, mà còn thấp hơn hầu hết các quốc gia khác, ngoại trừ Thái Lan và Malaysia, những nước có số lượng giao dịch ít hơn nhiều so với Việt Nam”, vị này cho biết.

Ông Yoshida cho biết thêm, sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch, việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian. Xu hướng M&A công ty nhật vào Việt Nam được dự báo sẽ sôi động còn bởi hai lý do.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhật Bản cần thị trường mới để mở rộng khi mà hầu hết các lĩnh vực ở Nhật đã phát triển chạm trần.

Thứ hai, chiến lược tăng trưởng M&A còn được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD, tồn tại tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và số tiền này cần có nơi đầu tư để kiếm lợi nhuận. Không ít trong số đó sẽ “chảy” vào thị trường M&A.

"Tôi tin rằng, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều hơn khoản đầu tư M&A đến từ Nhật trong nhiều lĩnh vực do là địa điểm có ưu thế cạnh tranh, quốc gia thành công chống Covid-19, và GDP tăng trưởng dương so với nhiều nước khác có thể tăng trưởng âm", ông Masataka Sam Yoshida nhận định.

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.

Dù vậy, Thứ trưởng Phương dự báo “hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD”.

Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, hoạt động M&A và đầu tư đang được hỗ trợ bởi 3 bộ luật quan trọng thường xuyên tác động trực tiếp là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Lần đầu tiên 1 năm mà 3 luật cùng có hiệu lực cùng ngày với những thay đổi khá tích cực.

Chẳng hạn Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ người mua, sự an toàn của người mua, ngôn ngữ của luật là nâng cao mức độ bảo vệ người mua trong các thương vụ M&A. Chẳng hạn, quyền cổ đông/nhóm cổ đông như đề cử vào HĐQT, triệu tập họp ĐHCĐ, theo quy định hiện hành phải sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục trong 6 tháng. Quy định này ngăn cản hoạt động M&A, bởi ngay khi họ mua cổ phần thì 6 tháng sau mới vào để tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả công ty. Đây là thời gian quá dài, điều không hợp lý. Những điều bất hợp lý này sẽ được bãi bỏ trong Luật mới.

  • Bí kíp “chốt hạ” thành công thương vụ M&A

    Bí kíp “chốt hạ” thành công thương vụ M&A

    Để chốt được thương vụ vừa ý với giá hời cho đôi bên, cả bên mua, bên bán và đơn vị tư vấn phải bắt được trúng “bệnh” của nhau, từ đó tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.