Đa số đều cho rằng, việc quy định xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh chẳng khác gì dồn dân vào chân tường, thậm chí làm chậm lại sự phát triển của nền kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Minh, một chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy (Hà Nội) lo lắng: "Hết Bộ GTVT đề xuất thu phí phương tiện cá nhân, giờ lại đến Bộ Xây dựng quy định phạt tiền việc sử dụng nhà ở làm nơi kinh doanh. Không biết, sẽ còn bao nhiêu quy định đổ lên đầu người dân chúng tôi nữa".
Chị Minh cho biết, gia đình chị có một căn nhà trên phố cổ. Do điều kiện kinh tế, chị cho thuê bán quần áo hàng hiệu, cả nhà chị đi thuê một căn nhà khác trong ngõ, giá chỉ bằng 1/3 căn nhà mặt phố. Hàng chục năm nay, ngoài đồng lương hạn hẹp, 4 nhân khẩu sống chủ yếu bằng tiền cho thuê mặt bằng. "Chồng tôi chẳng may bị bệnh, không thể kiếm tiền được nên thu nhập của gia đình đều trông cậy cả vào khoản tiền buôn bán này. Nhà thuộc sở hữu của người dân, chúng tôi sử dụng vào mục đích kinh doanh, buôn bán, đóng thuế đầy đủ với Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Sao lại phạt? Quy định thế này, chúng tôi hiểu là "cấm sử dụng nhà vào mục đích kinh doanh"? - chị Minh bức xúc.
Nhà phố cố - nếu không ở sẽ bị phạt. (Ảnh: Bảo Lâm).
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Dương Đình Khuyến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng là khó khả thi. Bộ Xây dựng căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định phạt, liệu rằng có mâu thuẫn với Luật Nhà ở hay những quy định về kinh doanh?. Trên lý thuyết, tất cả các tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng nhà ở trái mục đích được quy định tại Luật Nhà ở sẽ bị phạt. Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng nhà ở riêng lẻ đồng thời làm cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh buôn bán đã trở thành truyền thống lâu đời. Gần như ai có nhà mặt phố cũng tự kinh doanh hoặc cho người khác thuê làm nơi kinh doanh kiếm lời. Với thực tế đó thì không thể ngày một ngày hai đưa ra quy định là có thể phạt ngay được!
Luật sư Khuyến cũng cho rằng, theo luật, nếu người dân sử dụng nhà ở vào kinh doanh bất hợp pháp, như hoạt động mại dâm, buôn bán vũ khí... thì mới vi phạm. Còn việc người dân cho thuê nhà để mở cửa hàng cửa hiệu kinh doanh thì không thể cấm. Nghị định 23/2009 quy định cấm tại Luật Nhà ở đã được mở rộng với việc cấm mọi hành vi sử dụng nhà ở trái mục đích. Quy định là như thế nhưng rõ ràng là không phù hợp với thực trạng sử dụng nhà ở tại Việt Nam nên rất bất khả thi trong thực tế. Nếu đã thấy quy định ấy không khả thi dẫn đến pháp luật bị vô hiệu như vậy, tại sao Bộ Xây dựng không đề nghị sửa theo hướng trước mắt chỉ áp dụng quy định đó với đối tượng hẹp hơn, chẳng hạn như nhà chung cư?.
Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cũng dẫn chứng những trường hợp mà quy định này rất khó can thiệp. Thử lấy ví dụ, hai vợ chồng già có nhà mặt phố. Nhà rộng, họ không ở hết họ cho thuê một phần hoặc nguyên căn. Sau đó, họ đi thuê nhà trong hẻm để ở và thu nhập chính của họ từ số tiền chênh lệch này do họ không có lương hưu hay khoản thu nhập nào khác. Dù xác định họ đã không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở nhưng rất khó xử phạt bởi thực tế họ làm như vậy là hợp lý. Xuất phát từ nhu cầu và mục đích kinh tế chính đáng, sao có thể xử phạt được. Nếu áp dụng hình thức xử phạt hành chính sẽ gây bức xúc trong dân, phức tạp thêm tình hình.