Theo số liệu công bố đến cuối năm 2013, chỉ riêng số dư của 46,8 triệu tài khoản thanh toán của chủ thẻ tại các ngân hàng đã lên tới trên 115.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này là đáng kể để các ngân hàng khai thác, đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là góp phần giúp họ kê các cân đối trong an toàn hoạt động.
Mục tiêu của chính sách này là nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng, do hiện nay Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao.
Thông tư này quy định về phí dịch vụ tiền mặt, bao gồm phí nộp, rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước và phí nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối tượng áp dụng là Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến dịch vụ tiền mặt.
Dự thảo hướng đến quy định: một là, tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp và phải niêm yết công khai; hai là, tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút và phải niêm yết công khai.
Theo ban soạn thảo, quy định trên là có cơ sở thực tiễn cụ thể. Ngày 7/3/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn thực hiện điều 4 và điều 7 Nghị định số 161, trong đó có nội dung quy định mức phí rút tiền mặt từ 0%-0,05%/giá trị tiền mặt.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí, vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán”, ban soạn thảo đánh giá về quy định trên.
Rõ ràng, khi cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại được quy định phí rút tiền mặt 0% thì đương nhiên họ không thu phí, vì tránh đánh vào một dòng tiền gửi, tránh đánh vào khách hàng tiềm năng của những dịch vụ khác.
Nay, với dự thảo quy định trên, nên hiểu như thế nào?
Theo dự thảo thông tư, các tổ chức tín dụng “được quyền” ấn định phí nộp và rút tiền mặt. Tuy nhiên, họ có thể không sử dụng quyền đó để bảo vệ và thu hút khách hàng của mình. Điểm này là chưa rõ trong nội dung dự thảo và bản giải trình của ban soạn thảo, nhưng hoàn toàn có thể khi dự thảo chỉ đưa ra mức trần của phí mà không quy định mức sàn.
Ở một hướng khác, nếu theo dự thảo quy định trên, các tổ chức tín dụng phải thực hiện thu phí nộp và rút tiền mặt, có thể sẽ xuất hiện một số khả năng cơ quan quản lý cần cân nhắc, xem xét thận trọng.
Thứ nhất là tình huống đốn rừng lấy gỗ để dựng hàng rào ngăn lũ, ngược với nguyên lý cơ bản là trồng rừng chống lũ.
“Rừng” ở đây được hiểu là nguồn lực từ lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng. Nếu đánh phí cả nộp và rút, không chừng một bộ phận vốn lưu động trong dân cư sẽ rời bỏ ngân hàng về cất giữ ở nhà? Đây là một nguồn lực rất lớn.
Theo số liệu công bố đến cuối năm 2013, chỉ riêng số dư của 46,8 triệu tài khoản thanh toán của chủ thẻ tại các ngân hàng đã lên tới trên 115.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này là đáng kể để các ngân hàng khai thác, đầu tư vào nền kinh tế, đặc biệt là góp phần giúp họ kê các cân đối trong an toàn hoạt động. Như trên, nếu đánh phí cả hai chiều nộp và rút, nếu một bộ phận nguồn lực này rời bỏ, ảnh hưởng đầu tiên sẽ là các ngân hàng thương mại.
Một điểm nữa cũng cần xem xét. Ngoài việc các nhà băng không dùng quyền được áp phí như nêu trên, nếu buộc phải thu phí, không loại trừ khả năng họ vẫn có thể “lách” bằng cách bù chéo phí cho khách hàng qua nâng lãi suất cho số dư tiền gửi trên tài khoản đó. Và nếu tình huống này xẩy ra, chính sách thu phí trở nên vô nghĩa.
Một điểm khác được nêu trong bản giải trình dự thảo thông tư cũng có vẻ không “thông”. Ban soạn thảo cho rằng, việc thu phí nộp và rút tiền mặt của khách hàng là nhằm “nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng”. Ở đây, như hình ảnh trên, nó như được lý giải rằng: khi thiếu xi măng, sắt thép để gia cố hạ tầng, thì người ta phải đốn rừng lấy gỗ dựng hàng rào ngăn lũ vậy, dù cách làm đó có thể làm thay đổi dòng chảy - vốn vào ngân hàng.
Trong khi đó, có lẽ cần nhìn ngược lại, trước hết các ngân hàng phải đầu tư phát triển các dịch vụ tiện ích, thu phí ở những dịch vụ tiện ích này để quay trở lại đầu tư cho hạ tầng, qua đó cũng để hạn chế giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế một cách tâm phục khẩu phục. Còn nếu hạn chế bằng cách đánh phí mà có thể khiến người dân bớt nộp tiền vào ngân hàng trong bối cảnh hạ tầng các dịch vụ tiện ích chưa mở rộng thì e là chưa hợp lý.
Còn nữa, bản thuyết minh dự thảo có dẫn một cơ sở pháp lý là: đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 có nội dung “quy định mức phí đối với một số giao dịch thanh toán bằng tiền mặt”. Việc người dân nộp và rút tiền từ tài khoản của mình tại ngân hàng liệu có phải là “giao dịch thanh toán”, khi hiểu thanh toán là mua - trả và chuyển đổi chủ sở hữu tiền - hàng hóa hoặc dịch vụ.
Dĩ nhiên, như trên, nội dung của dự thảo là một cơ chế mở, cho phép các ngân hàng được quyền thu phí, còn thu hay không cũng là quyền của họ; mức phí dự kiến cũng chỉ có trần mà không có sàn. Và đây mới chỉ là dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đang tập hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.
Dự kiến những quy định liên quan sẽ được ban hành và thực hiện trong năm nay.