04/05/2015 8:49 PM
Ngày 4-5, hàng trăm tiểu thương chợ cũ Bạc Liêu đã kéo đến UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu làm rõ một số vấn đề bất cập trong việc bố trí, hoạt động, thu phí chợ Trung tâm Bạc Liêu mới (chợ Bạc Liêu mới) của nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Minh Thắng Bạc Liêu (Công ty Minh Thắng).
Theo thông báo của Công ty Minh Thắng, tiểu thương muốn vào bán ở chợ mới phải nộp trước, nộp đủ một lần phí thuê chỗ bán trong 20 năm. Nhà đầu tư sẽ bảo lãnh cho tiểu thương vay vốn ngân hàng để đóng phí thuê chợ.
Chợ chưa chính thức hoạt động đã có người vào bán trước
Một tiểu thương, bức xúc: “Theo mức giá mà nhà đầu tư đưa ra thì một ki-ốt mặt tiền 11m2 có giá thuê 350.000/m2/tháng, tương đương 900 triệu đồng/ 20 năm. Để đảm bảo chỗ bán tốt, một hộ thường phải thuê 2 ki-ốt, tức 1,8 tỉ đồng/20 năm. Nếu nhà đầu tư cho trả dần trong 20 năm thì cũng chấp nhận được. Đằng này họ muốn thu trước một lần thì tiểu thương lấy đâu ra tiền nộp. Với số tiền này mà đi vay ngân hàng thì chúng tôi làm sao đóng lãi nổi. Nhà đầu tư chỉ vì lợi ích của họ, muốn thu hồi vốn ngay tức thì mà nhẫn tâm đẩy tiểu thương chúng tôi vào cảnh 1 cổ 2 tròng”.
Bà Phan Ngọc Trân (ngụ phường 2, TP Bạc Liêu), từng là tiểu thương buôn bán rau củ quả ở chợ cũ Bạc Liêu. Từ ngày dời ra chợ tạm, bà buôn bán ế ẩm đến phá sản, giờ phải mua gánh bán bưng kiếm sống qua ngày.
Bà Trân kể trong nước mắt: “Thực hiện chủ trương của TP, tôi cũng như bao tiểu thương khác chấp hành di dời ra chợ tạm để chờ chợ mới xây dựng trong vòng 2 năm. Nhưng không ngờ chợ tạm thu phí cắt cổ, cao gấp chục lần chợ cũ. Vì sợ mất chỗ bán nên tôi phải cắn răng đóng 32 triệu đồng để thuê 6 sạp trong chợ tạm, đồng thời mỗi tháng đóng phí thêm gần 3 triệu đồng. Từ ngày vào chợ tạm, mỗi ngày bán không được 2kg rau-củ. Sau 17 tháng, hết vốn, hai vợ chồng bỏ đi TP HCM làm mướn một thời gian rồi quay lại đây bán bánh và chạy xe ôm kiếm sống”.
Theo bà Trân, bà hy vọng chợ mới hoàn thành sẽ được ưu tiên cho thuê một chỗ bán nhưng với việc nhà đầu tư đòi thu phí trước 1 lần thì mọi hy vọng của bà đã bị dập tắt.
Được biết, từ tháng 6-2011, khoảng 1.800 tiểu thương từ chợ nhà lồng Bạc Liêu dời về chợ tạm Trần Huỳnh buôn bán để giao mặt bằng cho Công ty Minh Thắng xây chợ mới với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Công ty này cũng là chủ đầu tư chợ tạm Trần Huỳnh.
Đầu tháng 9-2011, chợ mới Bạc Liêu được khởi công nhưng phải đến năm 2013 nhà đầu tư mới tiến hành xây dựng. Trong thời gian chờ đợi chợ mới hoàn thành, tiểu thương đã phải đóng phí chợ tạm cao gấp 10 lần chợ cũ, khiến hàng loạt tiểu thương phá sản.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Đông Hà, Tổng giám đốc Công ty Minh Thắng, nói: “Chúng tôi là nhà đầu tư tư nhân, phải tự bỏ tiền ra và vay vốn ngân hàng để xây chợ thì phải thu lại lợi nhuận. Ngay từ đầu, chúng tôi đã dành sự ưu tiên cho các tiểu thương chợ cũ được chọn vị trí kinh doanh tốt trong chợ mới, đồng thời liên kết với ngân hàng hỗ trợ cho vay nhưng họ không hợp tác mà cứ chống đối nên chúng tôi không thể chờ đợi mà phải mời gọi những hộ nào có nhu cầu vào bán. Giá thuê chợ là do UBND tỉnh phê duyệt chứ không phải do chúng tôi tự đặt ra, thậm chí chúng tôi cũng đã tính giảm cho tiểu thương rồi”.
Duy Nhân (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.