29/09/2012 7:48 AM
Bị “treo” sổ đỏ vì nhiều lý do, hàng ngàn hộ dân Hà Nội phải sống trong những căn nhà lụp xụp. Vì không có sổ đỏ, họ không dễ gì giao dịch, thế chấp với những căn nhà này

Một trong những khu vực điển hình bị “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại Hà Nội có thể kể đến là 12 hộ dân sống ở khu tập thể Đội xe 306, Công ty Vận tải Ô tô số 3, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm. Các hộ ở đây đã được chính công ty này ra quyết định giao đất gần 20 năm nay.

Phớt lờ yêu cầu của TP

Năm 2003, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là ông Lê Quý Đôn đã ký văn bản yêu cầu Công ty Vận tải Ô tô số 3 trình UBND huyện Từ Liêm cấp sổ đỏ đối với 1.438 m2 đất của 12 hộ gia đình nêu trên trước ngày 30-6. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, công ty vẫn chưa trình văn bản cho UBND huyện Từ Liêm. Do đó, các hộ dân không được cấp phép xây dựng, không được cải tạo nhà ở và phải gánh chịu nhiều hệ lụy khác.
Những căn hộ trong khu tập thể Đội xe 306 bị “treo” sổ đỏ 10 năm nay nên không thể xây sửa, mua bán, thế chấp... gì được

Gia đình anh Vũ Tuấn Anh ở khu tập thể Đội xe 306 chưa kịp vui mừng với căn nhà vừa mới cải tạo sau 10 năm sống cảnh dột nát thì nay đã phải lo lắng vì có nguy cơ phải đập bỏ do chưa được cấp giấy phép xây dựng. “Công ty Vận tải Ô tô số 3 muốn thôn tính đất của các gia đình ở đây hay sao mà cố tình “ôm” sổ đỏ cả chục năm như vậy? Họ còn bất chấp chỉ đạo của TP và chủ trương của Chính phủ là phải cấp sổ đỏ của dân” - ông Tuấn Anh bức xúc.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ, cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu việc dân phải sống cơ cực trong cảnh dột nát, nhiều người phải đi ở nhờ trên chính mảnh đất của mình và rất bức xúc vì không được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, nếu công ty không có ý kiến thì xã, huyện không làm được. Chúng tôi cũng đã thúc giục rất nhiều lần, thậm chí cả văn bản đốc thúc nhưng đều không thấy hồi âm”.

Theo ông Hùng, nhu cầu sửa chữa nhà của người dân là rất hợp lý vì nhà đã quá dột nát, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng không thể cấp giấy phép xây dựng được vì họ chưa được cấp sổ đỏ. Thậm chí, Công ty Vận tải Ô tô số 3 còn kiện người dân khi họ tiến hành sửa chữa, cải tạo nhà. “Cực chẳng đã, vì có đơn kiện nên chúng tôi phải cưỡng chế nhà của người dân ngay trên chính mặt đất của họ vì vi phạm quy định” - ông Hùng nói.

Cùng cảnh ngộ như các gia đình tại khu tập thể Đội xe 306, hàng trăm hộ dân ở khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội đã sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng giấy tờ, sổ sách liên quan đến căn hộ cũng gần như không có gì. Bà Lê Thị Nga, ngụ phòng 37, nhà B7, than thở: “Gia đình tôi được phân căn hộ từ năm 1967 nhưng tới nay vẫn không có giấy tờ nhà đất gì cả. Nhiều người ở đây muốn mua bán nhà đất đành phải làm “chui” thôi”.

Luẩn quẩn

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ các quận, huyện mới đây cho thấy TP còn trên 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của TP. Do vậy, chưa có cơ sở để TP tiếp nhận và cấp sổ đỏ.

Sở Xây dựng nhìn nhận quỹ nhà khổng lồ này đang ở trong tình trạng “móng không chạm đất”! Vì không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay (do đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa...) nên những căn nhà này coi như bị mất gốc, toàn bộ hồ sơ nhà đất đã bị thất lạc. Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi, bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó xét cấp sổ đỏ. Các dạng nhà này ở huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 căn), tiếp đó là Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm, Cầu Giấy...

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết dù rất muốn cấp sổ đỏ cho người dân để tiện cho việc theo dõi song quận cũng bó tay, vì những nhà này chưa được cơ quan quản lý bàn giao cho TP. “Người dân rất bức xúc vì không được cấp sổ đỏ. Quận cũng muốn giúp dân nhưng các cơ quan, doanh nghiệp không bàn giao thì đành chịu” - ông này bày tỏ.

Có thể phạt nặng rồi hợp thức hóa?

Về lối ra cho hơn 12.000 hộ dân bị “treo” sổ đỏ, nhất là những trường hợp mua bán bằng giấy viết tay hoặc xây dựng không phép, các cán bộ địa chính ở nhiều nơi tại Hà Nội cho rằng chẳng ai muốn vi phạm pháp luật nhưng người dân không thể chờ mãi được vì nhu cầu nhà ở là rất bức thiết. “Không cấp sổ đỏ thì người dân sẽ rất thiệt thòi. Chính quyền có thể phạt nặng rồi cho họ hợp thức hóa thì mới quản lý tốt được... Bởi, nếu chứ trông chờ ở các cơ quan chủ quản đất, những hộ dân này sẽ không bao giờ có được cuộc sống yên ổn ngay trên nhà, đất của mình” - một cán bộ địa chính huyện Thanh Trì nhìn nhận.

Theo Bảo Trân (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.