Có khoảng 42 tòa nhà chung cư TĐC ở Hà Nội gặp khó khăn trong quản lý, vận hành khi quỹ bảo trì đã hết sạch
Quỹ bảo trì đã cạn kiệt
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định về việc chuyển trả 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư tái định cư (TĐC) từ ngân sách thành phố.
Tại thời điểm đó, thành phố đã quyết định trích hơn 45 tỷ đồng từ nguồn thu tiền bán nhà tái định cư trong tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội để chuyển trả kinh phí bảo trì nhà chung cư đã nộp ngân sách thành phố cho Ban Quản trị (BQT) tòa nhà chung cư hoặc các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được thành phố giao đối với các tòa nhà chung cư TĐC chưa thành lập BQT.
Phòng Quản lý nhà và Phát triển thị trường bất động sản Hà Nội (Phòng Quản lý nhà- PV) cũng xác nhận, ngoài các BQT đã được thành lập tại một số tòa nhà ở khu Dịch Vọng, số tiền hơn 45 tỷ đồng này, năm 2014 cũng đã được giao cho các đơn vị quản lý vận hành gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội.
“Tính đến thời điểm hiện nay, các công ty quản lý vận hành cũng đã bàn giao cho 30 BQT/71 BQT đã được thành lập với tổng số tiền khoảng 36 tỷ đồng. Các BQT còn lại sẽ bàn giao sau khi các bên thực hiện xong việc quyết toán thu chi trong giai đoạn quản lý”, đại diện Phòng Quản lý nhà cho biết.
Tuy nhiên, nhìn vào số liệu kinh phí bảo trì ngân sách thành phố hoàn trả theo số liệu quyết toán kinh phí cải tạo, sửa chữa nhà chung cư TĐC ở Hà Nội, cho thấy, nguồn kinh phí quan trọng để vận hành, quản lý của gần 200 tòa nhà - nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân thủ đô hầu như đã cạn kiệt.
Có không ít tòa nhà mang tiếng là còn quỹ bảo trì nhưng thực tế chỉ còn vài chục triệu trong tài khoản và số tiền ít ỏi đó không đủ để sửa mỗi chuyện thang máy khi gặp sự cố chứ chưa nói đến việc vận hành cả một tòa nhà.
Thậm chí, trong 168 tòa nhà chung cư TĐC đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thủ đô, có 42 tòa nhà không còn một đồng nào quỹ bảo trì. Trong đó, có 19 tòa nhà không có quỹ bảo trì (do xây dựng trước thời điểm Luật nhà ở ra đời và nhà nước không thu kinh phí bảo trì từ việc bán nhà) và 23 tòa nhà có quỹ bảo trì nhưng cũng đã sử dụng hết sạch.
Trông chờ vào thành phố
Câu chuyện về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư TĐC gần đây đã trở thành vấn đề rất “nóng” của Hà Nội. Không chỉ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội tiến hành kiểm tra và báo cáo Thủ tướng việc thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ bảo trì tại các nhà chung cư TĐC, mà tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội mới đây, vấn đề quỹ bảo trì cũng tiếp tục được các đại diện cử tri chất vấn rất mạnh mẽ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đại diện Phòng Quản lý nhà, những tồn tại ở các chung cư TĐC là vấn đề an sinh xã hội mà ai cũng nhìn thấy, và thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm để cải thiện. Nhưng vấn đề then chốt là tiền và tiền sẽ được lấy từ đâu để khỏa lấp vào quỹ bảo trì tại các chung cư TĐC vốn đã rất eo hẹp như hiện nay.
“Ngoài kinh phí 20-30 tỷ hàng năm mà thành phố chi ra để hỗ trợ bảo trì 6 hạng mục cho các tòa TĐC lâu nay, sau khi có Nghị định 99 thi hành Luật nhà ở, thành phố cũng đang chỉ đạo xây dựng thêm chính sách hỗ trợ công tác vận hành tại các tòa nhà TĐC. Chính sách này đã trình thành phố và kỳ vọng sẽ sớm được thông qua trong tháng tới”, đại diện Phòng quản lý nhà cho hay.
Cụ thể, theo Phòng Quản lý nhà, với diện tích để kinh doanh tại các chung cư TĐC hiện nay, sau khi trừ các chi phí kinh doanh hợp lý, thành phố sẽ cho phép sử dụng khoản tiền thu được từ hoạt động kinh doanh này để hỗ trợ cho kinh phí bảo trì phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư phục vụ TĐC trên địa bàn (bao gồm bảo trì thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài của nhà chung cư) và hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác quản lý vận hành nhà ở.
Theo tìm hiểu của báo PLVN, với gần 80 ngàn m2 tổng diện tích kinh doanh dịch vụ, số tiền mà các công ty quản lý vận hành các tòa nhà TĐC hiện nay thu được khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Số tiền này, tới đây nhiều khả năng sẽ được Hà Nội cho phép trích một phần lớn để hỗ trợ vào công tác vận hành, duy tu các tòa nhà chung cư ngày càng sập sệ, xuống cấp khi các nguồn thu cho công tác này hầu như đã cạn kiệt.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhà ở cũng cho rằng, công tác quản lý vận hành các tòa nhà chung cư TĐC sắp tới có vẻ đỡ bi quan hơn. Nguồn kinh phí hỗ trợ dù sao cũng đã nhìn thấy được. Tuy nhiên, nói gì thì nói phần hỗ trợ của nhà nước lấy ra từ diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chính tòa TĐC vẫn không thể đủ cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các chung cư TĐC hiện nay.
“Muốn cải thiện triệt để những yếu kém trong quản lý, vận hành tại các tòa TĐC hiện nay, người dân không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân cũng nên thay đổi tư duy, cùng với nhà nước đóng góp một phần kinh phí để tạo ra một quỹ bảo trì ổn định để duy trì và vận hành tòa nhà nơi mình ở một cách tốt nhất với chi phí thật hợp lý”, đại diện Phòng quản lý nhà nói.