02/01/2014 11:03 AM
Bức tranh thu hút vốn đầu tư của các tỉnh, thành dần lộ diện khi hàng loạt các dự án “tỷ đô” đang "trơ gan cùng tuế nguyệt", trái ngược với lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng như dự báo trước đó.

Trong khi các dự án cũ chưa được "chẩn bệnh" để loại bỏ thì các dự án mới lại dồn dập kéo đến như chuyện đương nhiên trong lĩnh vực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư của các địa phương...

Sau khởi công là... “hoang hóa”

Còn nhớ, cách đây đúng 6 năm, người dân tỉnh Hậu Giang đón nhận niềm vui khi tỉnh nhà có nhà đầu tư lớn "đổ tiền" vào xây dựng nhà máy giấy ở huyện Châu Thành. Lúc đó, nhiều người còn bay bổng bởi lời hứa hẹn trong ngày khởi công, 14 tháng sau sẽ có một nhà máy hiện đại thuộc "top" đầu trong khu vực, làm thay đổi diện mạo mảnh đất này. Thế nhưng, chờ đợi đến 6 năm trời, cái mà người dân vùng "gạo trắng nước trong" nhận được vẫn chỉ là lời hứa từ nhà đầu tư.

Lo lắng cho dự án tỷ đô chết yểu, chính quyền Hậu Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Thậm chí, tỉnh còn thành lập một tổ gồm các sở, ban ngành hỗ trợ từ công tác giải phóng mặt bằng để giao đất, đến các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Thế nhưng, đáp lại thiện chí này, không dưới vài lần, nhà đầu tư là tập đoàn Giấy Lee & Man đã khất lần việc triển khai. Thậm chí, mới đây nhất, sau nhiều lần thúc ép, đại diện tập đoàn này lại đề nghị cho gia hạn tiến độ triển khai dự án đến cuối năm 2015. Chưa biết, tỉnh Hậu Giang sẽ "ân huệ" nhà đầu tư này nữa hay không, nhưng cái nhìn nhận thực tại mà dự án này đang để lại là một đại công trường... dang dở.

Nếu nói về các dự án tỷ đô đắp chiếu có lẽ Thanh Hóa cũng đáng được xếp vào dạng có "thành tích", mặc dù mới đây Thanh Hóa đã làm cho nhiều tỉnh, thành khác phải ghen tỵ với dự án lọc dầu khổng lồ, đưa thành tích thu hút vốn đầu tư của tỉnh này lên hàng đầu trong cả nước. Thu hút được nhiều dự án, nhưng để dự án không nằm trên giấy vẫn là câu chuyện đau đầu ở xứ Thanh.

Điểm mặt, trước tiên của tỉnh này phải kể đến dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn. Từng được kỳ vọng là điểm nhấn của ngành công nghiệp vùng phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, nhưng đến nay, toàn bộ mặt bằng nhà máy (hơn 40 ha) thuộc Dự án này đã biến thành bãi trồng rau, màu. Dự án đang đứng trước nguy cơ chết yểu, vì tính khả thi không cao. Dự án được chính thức khởi công vào ngày 22/12/2007 (thôn Vân Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc) với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng. Nhà máy xi măng Thanh Sơn được xây dựng với công nghệ hiện đại, sản xuất theo phương pháp khô, hệ thống điều khiển tự động. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010. Nhưng rồi, niềm vui ngắn ngủi chẳng tày gang khi dự án nghìn tỷ chỉ triển khai xây dựng được 2 năm thì bị "đắp chiếu" vì "đói" vốn.

Dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Châu Lộc tại xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng không ngoại lệ, với đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, do Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư, đã được khởi công từ tháng 3/2003. Cho đến nay, mặc dù đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2004 và giao chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng, nhưng đến nay, dự án bỗng dưng chết yểu. Hàng chục ha đất tại dự án biến thành bãi hoang, làm nơi chăn thả gia súc gây lãng phí lớn về tài nguyên.

Một địa phương khác cũng đáng được nhắc đến là Quảng Ngãi, khi mà tỉnh này có hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng đang "chôn tiền" tại Dung Quất. Trung tâm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí TP. Vạn Tường do công ty TNHH Vạn Năm đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng đang từng ngày mục nát giữa trung tâm đô thị mới Vạn Tường thì xưởng cơ khí của nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng trong cảnh hoang phế. Xưởng này đã bị bỏ hoang từ lâu, nhưng công ty đóng tàu dầu khí Dung Quất vẫn phải chi 4 triệu đồng/tháng để thuê hai bảo vệ thay phiên nhau ngày đêm túc trực canh giữ. Hay dự án thép 4,5 tỷ đôla tại Dung Quất động thổ từ cuối tháng 10/2007, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong nền móng.

Bảng "thành tích" khó xóa cho những dự án nằm trên giấy.

“Chết” vì “tư duy nhiệm kỳ”?!

Trong một báo cáo mới đây nhất về năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương do Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (bộ Công Thương) cho thấy, hầu hết các địa phương dẫn đầu về chỉ số hội nhập đều là những tỉnh, thành phố lớn, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hoặc đang "sở hữu" những dự án FDI tỷ đô nổi tiếng như Thanh Hóa, Bắc Ninh... Các tỉnh đứng cuối bảng chỉ số hội nhập đều là những địa phương bất lợi về điều kiện tự nhiên, ở miền núi, vùng sâu xa và không có dự án "khủng" nào như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Bản báo cáo này cũng cho thấy, căn bệnh thành tích và tư duy "nhiệm kỳ" đang trở thành lực cản trong quá trình hội nhập kinh tế của nhiều địa phương. Vì thế, theo nhận định của ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu: "Gần như các tỉnh đều gặp phải tình trạng lựa chọn đối nghịch giữa tầm nhìn dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Nhiệm kỳ lãnh đạo ở ta kéo dài khoảng 4-5 năm nhưng các chiến lược phát triển phải có tầm nhìn 20 năm, 30 năm, hay 50 năm. Lãnh đạo địa phương lại đòi hỏi phải có kết quả ngay trong ngắn hạn để còn có thành tích trong nhiệm kỳ của mình. Cho nên, địa phương mải chú trọng cái ngắn hạn mà quên đi dài hạn".

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS. kinh tế Nguyễn Minh Phong, cho biết: Do sự thi đua phát triển của các địa phương dẫn đến Chính phủ không đủ thời gian để thẩm định, hay nói cách khác, các cơ quan của Chính phủ không đủ thời gian và không nỡ lòng thẩm định quá chặt chẽ để mang tiếng cản trở sự phát triển của các địa phương.

Cũng theo TS. Phong, phải xác định, tổ chức lại quy trình thẩm định các dự án dựa trên kế hoạch phát triển nền kinh tế. Tức là phải có kế hoạch tổng thể phát triển từng ngành kinh tế. Hạn chế đến mức tối đa có thể bệnh thành tích, làm hại đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nghiên cứu lại chế độ phân cấp. Đến tỉnh thì làm bao nhiêu, động chạm bao nhiêu tài nguyên đất đai, tín dụng...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam khi được PV đặt câu hỏi đã nhìn nhận: "Có địa phương từng công bố dự án đầu tư lên tới 10 tỷ USD. Thực tế thì số tiền giải ngân rất nhỏ, tức là chỉ giải ngân lễ khởi công. Vấn đề là lãnh đạo vẫn mắc tư duy nhiệm kỳ". Ông Nam cũng lấy ví dụ, gây điều tiếng nhất cho "bánh vẽ" đầu tư lĩnh vực này là câu chuyện của dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm 4,2 tỷ USD - với hạng mục chủ chốt kinh doanh casino, nhưng sau 5 năm, hết năm 2012 chỉ giải ngân được có 350 triệu USD.

Còn được biết đến trên cương vị là Viện trưởng viện Nghiên cứu thương mại, bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Nam thổ lộ: "Tôi đi mấy địa phương, thấy thêm một nhà máy xi măng là lãnh đạo và người dân tưng bừng, trong khi, thực chất nó chẳng mang lại cái gì lớn cả. Nhiều nơi đang cố kéo FDI để tăng GDP chứ không phải là để phát triển, để tạo sức lan tỏa". Vì thế theo ông Nam, rõ ràng, trước thực trạng này, các địa phương cần phải làm sao để hài hòa giữa mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hạn, giữa mong muốn cần (lập) thành tích ngay với việc tạo ra sự khác biệt lớn cho sự phát triển của tỉnh trong dài hạn, tầm nhìn thậm chí có thể là 100 năm. Có vậy, những cơ hội từ hội nhập kinh tế mang lại cho sự phát triển của địa phương mới được hiện thực một cách hiệu quả.

Dự án "khủng" ngoài quy hoạch sẽ lại trên giấy?

Thời gian gần đây, việc cấp phép các siêu dự án lọc dầu đang gây tranh cãi lớn giữa các chuyên gia kinh tế và các cấp quản lý địa phương. Đó là trường hợp dự án 27,5 tỷ USD của tập đoàn Dầu khí PTT (Thái Lan), công suất 30 triệu tấn dầu thô/năm xin đầu tư vào Bình Định; dự án lọc hóa dầu 12,5 tỷ USD của tập đoàn Formusa xin đầu tư vào Hà Tĩnh, công suất 16 triệu tấn dầu/năm. Cả 2 dự án khổng lồ này đều đang nằm ngoài quy hoạch ngành. Trong khi các chuyên gia lo ngại Việt Nam đang lạm phát lọc dầu, cung vượt cầu thì chính quyền các tỉnh này vẫn đang cố gắng xin Thủ tướng bổ sung trong quy hoạch.

Vương Trần (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.