30/11/2011 8:26 AM
Các vụ khiếu nại, kiện cáo giữa cư dân và chủ đầu tư liên tiếp rộ lên trong thời gian qua tại Hà Nội đang cho thấy nhiều bất ổn trong mô hình nhà chung cư.

Keangnam bị “tố” thu phí “cắt cổ”


Ầm ĩ nhất trong thời gian qua là vụ việc chủ đầu tư tòa nhà thuộc nhóm hiện đại, cao tầng nhất Việt Nam là Keangnam bị tố cáo “bóc lột” khi thu hàng loạt các loại phí với giá “cắt cổ”. Mâu thuẫn giữa Keangnam và cư dân bắt đầu từ khoảng cuối tháng 6/2010, cư dân bức xúc vì phí dịch vụ, gửi xe tại đây cao gấp nhiều lần quy định của UBND thành phố Hà Nội và cũng thuộc hàng “khủng” nhất Thủ đô.

Câu chuyện “phí” vẫn chưa dừng lại thì mẫu thuẫn lại được đẩy lên cao hơn khi vấn đề sở hữu chung riêng giữa cư dân và chủ đầu tư bắt đầu căng thẳng. Một cư dân của Keangnam bị côn đồ vào hành hung phải đi cấp cứu ngay tại khu vực sân chơi công cộng dành cho trẻ em ở tầng 5 tại hai tòa tháp A và B. Sự việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 18/11, nạn nhân là anh Trần Thanh Hiền (SN 1972, trú tại căn hộ 1803 Keangnam).


Hàng loạt 'đại gia' BĐS vướng vào lao lý

Keangnam đang giữ vị trí thu phí thuộc hàng “khủng” nhất Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam.

Nguyên nhân là do anh Hiền ngăn cản những người của Công ty Mai Linh tới dựng rạp, sân khấu chiếm dụng sân chơi tầng 5, cư dân cho rằng đây là sở hữu chung nên phải có được sự nhất trí của người dân. Trong khi phía Keangnam đã tự ý cho công ty Mai Linh thuê với mục đích kinh doanh.

Ngay sáng 19/11, hàng trăm cư dân đã cùng nhau trăng băng rôn, khẩu ngữ phản đối chủ đầu tư.

Dân dọa kiện Công ty KS Kinh Đô ra tòa

Vụ việc chung cư 93 Lò Đúc do Công ty Khách Sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư bỗng dưng “mọc” thêm tầng 27 trong khi trong sơ đồ thiết kế chỉ có đến tầng 26 đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng cư dân sống tại đây.

Ban đại diện cư dân quả quyết Công ty KS Kinh Đô đang có ý định xây dựng thêm tầng 27 để làm khu dịch vụ văn phòng và cho rằng việc này vi phạm nghiêm trọng kết cấu tòa nhà, gây nguy hiểm cho cư dân. Sau khi vụ việc vỡ lở, UBND phường Phạm Đình Hổ có quyết định đình chỉ việc thi công tại tầng 27, nhưng Công ty KS Kinh Đô vẫn tiếp tục cho thợ xây dựng vào ban đêm khi vắng bóng các cơ quan chức năng.

Cùng với việc “tố” chủ đầu tư cơi nới không phép tầng 27, hàng loạt các sai phạm khác của đơn vị này tiếp tục được cư dân mang ra mổ xẻ như thu phí cao, chiếm dụng sở hữu chung…

Khi những tranh cãi với người dân chưa kết thúc thì ngày 5/10, Công ty KS Kinh Đô lại bất ngờ cho bảo vệ chặn thang máy của cư dân tại chung cư 93 Lò Đúc. Hàng trăm người dân đã tập trung phản đối hành động này.

Hiện quá trình đấu tranh đòi quyền lợi của cư dân chung cư 93 Lò Đúc vẫn đang tiếp diễn.

Cư dân CT3 Trung Hòa “tấn công” Constrexim

Mẫu thuẫn bắt đầu bùng nổ từ ngày 21/9 khi ông Nguyễn Văn Hòa (56 tuổi, ở Thụy Khuê, Hà Nội) bị tử nạn tại thang máy chung cư CT3 Constrexim (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) làm chủ đầu tư.


Hàng loạt 'đại gia' BĐS vướng vào lao lý

Bức xúc vì bị Constrexim thờ ơ, cư dân CT3 giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối dữ dội. Ảnh: N.N.

Lo lắng vì thang máy liên tục hỏng, hệ thống thoát nước quá kém, sân chơi của trẻ em bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh trông giữ xe ô tô… và đỉnh điểm là vụ tai nạn thang máy đã khiến người dân sống tại tòa nhà CT3 vô cùng bức xúc.

Người dân liên tục gửi một loạt đơn kiến nghị về các vấn đề tại tòa nhà CT3 Yên Hòa nhưng vẫn bị chủ đầu tư thờ ơ.

“Tức nước vỡ bờ”, sáng 29/9, hàng trăm cư dân sống tại chung cư CT3, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã “tấn công”, giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối dữ dội chủ đầu tư làm xôn xao dư luận.

Handico 68 rơi vào “tầm ngắm”

Làn sóng cư dân phản đối chủ đầu tư tiếp tục lan sang chung cư CT2 Mễ Trì thượng khi cư dân sinh sống tại tòa nhà đồng loạt gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về những sai phạm của đơn vị chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68).

Cụ thể, cư dân CT2 cho biết Hadico 68 bàn giao nhà chậm tiến độ tới gần…3 năm, sau đó chủ đầu tư có cam kết sẽ bồi thường cho cư dân theo đúng quy định của nhà nước nhưng cho đến nay, việc bồi thường vẫn chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, khi bàn giao, chất lượng các căn hộ kém, không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.

Vấn đề sở hữu chung riêng cũng chưa bao giờ rành mạch giữa cư dân và chủ đầu tư. Theo sơ đồ mặt bằng tầng 1 đi kèm với bản hợp đồng mua bán, toàn bộ diện tích tầng 1 CT2 được quy hoạch làm nhà để xe và cửa hàng nhưng hiện được Hadico 68 sử dụng vào mục đích kinh doanh, làm trụ sở công ty. Đường nội bộ của cư dân nơi tiếp giáp giữa CT2 và trường mầm non kế bên trở thành khu vực để xe.

Handico 68 có vẻ biết cách “xử lý” sự cố hơn khi hứa sẽ giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề cho cư dân trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, kết quả ra sao thì còn phải chờ hành động cụ thể của đơn vị này.

Những mâu thuẫn liên tiếp xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư các chung cư chưa biết ai đúng ai sai, nguyên nhân, kết quả đến đâu nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng đến thương hiệu của các đơn vị chủ đầu tư.

Theo Nhật Nam (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.