01/09/2015 2:54 PM
Chuyện các địa phương thi nhau rót tiền tỷ xây chợ rồi bỏ hoang được ví như là “mốt”. Việc xây chợ không còn là mục đích phục vụ đời sống, kinh doanh của nhân dân và các tiểu thương mà chính quyền địa phương một số tỉnh đang thực hiện với lợi ích nhóm rất rõ rệt.
Chợ Phong Toàn vắng như chùa Bà Đanh, nhiều cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Thảo Thành
Trút hàng trăm tỷ xây chợ để “bỏ hoang”
Đi dọc các tỉnh Bắc Trung bộ dễ dàng bắt gặp hàng loạt chợ xây tiền tỷ xong để bỏ hoang. Đây là tình trạng chung của các địa phương gần đây đổ xô thi đua xây dựng chợ, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Chợ Già tại xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xây dựng đúng các tiêu chí về diện tích sân vườn, cây xanh, nhà kho, khu để xe, nhà vệ sinh, nơi thu gom xử lý rác thải... Thế nhưng, được khánh thành từ tháng 10/2012 với tổng số vốn đầu tư 14 tỷ đồng xong rồi chợ bị bỏ hoang.
Chợ Voi trên địa bàn xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng từ năm 2008 với tổng đầu tư gần 6 tỷ đồng, diện tích gần 10.000m2 cận kề với quốc lộ 45. Năm 2011, chợ hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng đến nay gần như bỏ hoang. Hiện nay, chợ họp rất thất thường, không phát huy được hiệu quả.
Cùng chung số phận là khu thương mại chợ Rộ xã Võ Liệt, Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng với nguồn vốn lên tới 21,9 tỷ đồng. Tuy được khai trương từ tháng 5/2010, nhưng chợ xây dựng xong rồi bỏ hoang. Hiện, hàng trăm tiểu thương vẫn kiên quyết bám trụ lại chợ Rộ cũ (cách đó 1km). Mặc dù đã được chính quyền địa phương khuyến khích, động viên người dân đến khu thương mại chợ mới nhưng không một ai thuê ki ốt để kinh doanh.
Tương tự, chợ Phong Toàn ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, khi xây xong đi vào hoạt động được hơn 3 năm, đến nay dù được miễn thuế 100% nhưng không có người kinh doanh. Tổng vốn xây là 18 tỷ đồng, song nhiều hạng mục đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Nguyên nhân chính chợ vắng khách là do bên cạnh chợ này đã có hai chợ lớn được xây dựng rất quy mô.
Chợ Bắc Trạch được xây dựng rất khang trang, rộng rãi nhưng nằm xa dân nên các hộ kinh doanh ở đây chỉ tính được đầu ngón tay và chợ ga Hoàn Lão đã đóng cửa từ lâu. Ảnh: Thảo Thành
Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) là huyện nghèo nhưng lại đứng đầu về việc xây chợ vô tội vạ, rồi bỏ hoang. Chỉ trong vòng 4 năm (2006 - 2010), huyện đã bỏ ra 150 tỷ đồng để xây hệ thống chợ. Toàn huyện có 30 xã, thị trấn nhưng lại cơ cấu hơn 30 chợ, có xã xây 2 đến 3 chợ. Chợ xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch sau khi bỏ ra tiền tỷ để xây, nhưng đáng buồn chợ chỉ họp đúng ngày khánh thành. Chợ Bắc Trạch cũng được xây dựng khang trang, hoàng tráng được đưa vào hoạt động từ năm 2011, nhưng việc kinh doanh ở đây quá ảm đạm, giống như chợ bỏ hoang.
Chợ Tùng Ảnh, xã Tùng Ảnh của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được chính quyền sở tại đầu tư gần 30 tỷ đồng, xây dựng hoành tráng trên khuôn viên rộng rãi. Thế nhưng, gần 4 năm nay chỉ có 78 tiểu thương ngồi bán rau, bán cá...
Chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ) có tổng vốn gần 30 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ cho 78 hộ kinh doanh ở một góc nhỏ, họp 1-2 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Thảo Thành
Chợ Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) được ví như một trò hề của chính quyền địa phương. Ban đầu chính quyền đầu tư tiền tỷ để xây sân bóng đá, nhưng không phát huy hiệu quả nên chuyển sang làm chợ. Điều đáng nói là “chợ này” chỉ có trâu bò đến “họp”.
Chợ Kỳ Anh, Hồng Lĩnh liệu có chung số phận?
Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng có một số chợ xây xong rồi bỏ hoang hoặc chỉ họp được một vài buổi trong tuần như chợ xã Kỳ Ninh, chợ xã Kỳ Hà, xã Kỳ Trinh, xã Kỳ Thư… Các khu chợ này vắng đìu hiu, chỉ thấy trâu bò, gà vịt thả rông.
Thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh là hai địa phương đang bạo tay rót tiền tỷ để xây dựng chợ mới. Đây là hai địa phương nằm ở vị trí đắc địa, rất thuận lợi giao thương... Chợ mới đang xây ở phía Nam thị xã Kỳ Anh có tổng vốn gần 162 tỷ đồng, gần đây có hàng trăm tiểu thương chợ thị xã Kỳ Anh và chợ Thị xã Hồng Lĩnh đóng quầy ốt kịch liệt phản đối vì họ muốn giữ lại chợ cũ, không muốn sát nhập sang chợ mới do nó nằm ở trung tâm thị xã, cơ sở vật chất còn sử dụng tốt.
Chợ Hồng Lĩnh và chợ Kỳ Anh có ở vị trí rất đắc địa, nhưng hai chợ này đang là điểm nóng vì có nguy cơ xóa sổ. Ảnh: Thảo Thành
Điều kỳ lạ là hầu hết các địa phương đều đã có chợ đang kinh doanh, buôn bán bình thường nhưng chính quyền địa phương vẫn cố xây thêm chợ không rõ với mục đích gì? Dư luận cho rằng, nguyên nhân các địa phương bất chấp để xây chợ là để hợp thức hóa nguồn vốn. Cho nên, khi chính quyền vẫn “bật đèn xanh” cho những việc làm thiếu minh bạch không thuận lòng dân, ắt hẳn bắt nguồn từ một nhóm lợi ích nào đó nên được “nhắm mắt” làm ngơ và việc xây chợ rồi bỏ hoang trở thành một vấn nạn quốc gia là điều tất yếu.
Phương Thảo - Tăng Thành (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.