03/10/2023 3:01 PM
Hãng chip Hàn Quốc Hana Micron đang có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2025.

Ảnh minh hoạ.

Nhà sản xuất sản phẩm bộ nhớ và bao bì chip của Hàn Quốc nói với Nikkei Asia rằng công ty đang chuyển thiết bị đến nhà máy thứ hai mới ở tỉnh Bắc Giang để "chuẩn bị sản xuất và chúng tôi có lịch trình bận rộn với việc kiểm tra khách hàng…".

Tỉnh Bắc Giang là nơi đặt trụ sở của ba nhà cung cấp cho Apple và cũng là một trong những nơi sản xuất phần lớn điện thoại Samsung trên toàn cầu, cùng với tỉnh Bắc Ninh lân cận.

Công nghiệp chip đã trở thành trọng tâm trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9, khi các công ty Mỹ như Amkor và Marvell đã tuyên bố mở rộng hoạt động tại đây. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thăm cơ sở của Nvidia và Synopsys ở Hoa Kỳ trong vài ngày sau đó để tìm kiếm thêm đầu tư.

Hiện tại, Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu vào Mỹ và xét về doanh số, Việt Nam hiện đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong xuất khẩu chip bán dẫn sang Hoa Kỳ.

Hwang Chul Min, Giám đốc nhân sự của Hana Micron, đã chia sẻ: "Dự án Bắc Giang của Hana Micron đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đi theo định hướng phát triển của chính phủ. Nó sẽ tạo cơ hội thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao và đặt nền móng cho sự phát triển của hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn”.

Mặc dù đã có nhiều thông báo về việc các công ty sản xuất chip toàn cầu đầu tư vào Việt Nam, nhưng Samsung, một trong những khách hàng quan trọng của Hana Micron, đã từ chối xây dựng nhà máy sản xuất chip tại đây, với lý do công ty đã đầu tư quá nhiều ở Việt Nam. Việt Nam cũng chứng kiến Intel, một trong những nhà đầu tư chip lớn nhất của Việt Nam, chọn Malaysia để mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về kỹ năng và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực sản xuất chip. Cộng đồng Vi mạch Việt Nam ghi nhận, hiện cả nước có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, trong đó tập trung cao nhất tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Đến năm 2030, Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo trên 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Hana Micron dự kiến sẽ tuyển dụng 4.000 lao động và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để tuyển dụng. Công ty này cũng có một nhà máy ở Bắc Ninh, và đang tuyển dụng lao động về công nghệ thông tin để cung ứng cho các dây chuyền sản xuất.

Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, nhà máy của Hana Micron có diện tích 6 ha và sẽ hợp tác với một nhà máy bán dẫn khác do Đài Loan đầu tư, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.