Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM mới bế mạc cuối tuần trước, một số đại biểu đã đề cập đến tình trạng một số tuyến đường tại khu vực nội thành TP.HCM đang bị quá tải bởi nhà cao tầng và đây là một trong những thủ phạm gây kẹt xe. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, điều này cũng được đặt ra đối với các sở, ngành liên quan, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng. Pháp Luật TP.HCM đã đặt vấn đề này với TS-KTS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM và ghi lại ý kiến của ông về vấn đề này.
Cao ốc thì nhiều, đường thì ít
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng kẹt xe tại khu vực trung tâm là cấu trúc đô thị của TP.HCM không đủ đường. Khi cho những cao ốc lớn xây dựng mà không có thêm đường thì càng làm trầm trọng hơn tình hình kẹt xe. Không chỉ con đường Phổ Quang (gần cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất), đang có quá nhiều cao ốc được xây mà các con đường như Âu Cơ, Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) dù không rộng nhưng xuất hiện rất nhiều tòa nhà rất lớn. Cả khu vực chỉ có hai con đường này, còn lại toàn đường nhỏ thì không thể nào lưu thông tốt được.
Tại khu vực trung tâm, đường sá đầy đủ nhưng việc cho xây quá nhiều cao ốc đã khiến hạ tầng lẽ ra chỉ đáp ứng cho riêng khu vực trung tâm thì lại phải gánh giao thông cho toàn TP. Khu vực trung tâm vốn được quy hoạch đường sá ô bàn cờ rất đẹp, đầy đủ, thậm chí rộng rãi nhưng phải gánh lượng giao thông của toàn TP nên vẫn kẹt xe như thường. Một trong những lỗi ở đây có thể là do việc đánh giá hạ tầng không đúng của các nhà làm quy hoạch. Một ví dụ như con đường Nguyễn Đình Chiểu, bình thường nếu tách ra là một tuyến đường trong ô phố thuộc quận 1 và quận 3 thì nó rất rộng rãi. Tuy nhiên, bây giờ nó đã trở thành tuyến đường trục nối từ đông sang tây nên người dân đi từ hướng đông (cầu Sài Gòn trở vào) là đi đường Nguyễn Đình Chiểu hoặc Võ Văn Tần. Như vậy, những tuyến đường này đã biến thành đường trục chứ không còn nằm trong phạm vi ô phố nữa rồi.
Dòng xe đổ từ quận 9, Thủ Đức, quận 2 vào trung tâm TP.HCM gây ùn ứ giao thông ở xa lộ Hà Nội - khu vực cửa ngõ đường Điện Biên Phủ - gần ngã tư Hàng Xanh.
Cần chuyển áp lực ra khu đô thị Thủ Thiêm
Tại sao TP đã quy hoạch khu Thủ Thiêm rộng rãi nhưng nhà đầu tư vẫn đổ về trung tâm? Khi cho nhà đầu tư vào xây dựng cao ốc tại khu vực trung tâm thì lẽ ra TP cần phải có ràng buộc về nghĩa vụ của nhà đầu tư với hạ tầng để hạn chế việc nhà đầu tư cứ nhằm vào khu vực này. Ở đây có lẽ việc khuyến khích đầu tư của TP chưa đúng hoặc khu vực ngoài khu trung tâm chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Một điều mà tôi cũng rất ái ngại là lẽ ra TP có thể chuyển khu trung tâm hành chính ra Thủ Thiêm thì sẽ lập tức giảm được đầu tư vào khu vực trung tâm TP. Còn vẫn để trung tâm hành chính như hiện nay thì chắc chắn người ta vẫn cứ đổ xô vào đây dù giá đất tăng cao, vì thông thường trung tâm hành chính ở đâu thì trung tâm ở đấy. Chính quyền TP cần cân nhắc về vấn đề này.
Thêm một vấn đề nữa là lâu nay việc cấp phép theo lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch đang gây ra những áp lực rất lớn cho các tuyến đường nội đô. Ví dụ tuyến đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) hiện hữu có bề rộng 10 m nhưng quy hoạch lộ giới là 20 m. Khi cấp phép cho các tòa nhà lớn thì theo lộ giới 20 m mà thực tế con đường này vẫn đang là 10 m nhưng phải chịu một áp lực lớn khi tòa nhà cao ốc mọc lên. Có lẽ TP cũng cần phải tính toán, xem xét cả vấn đề này khi cấp phép.
Để hạn chế tình trạng kẹt xe thì trước mắt hạn chế cấp phép xây dựng mới các cao ốc tại khu vực trung tâm. Bên cạnh đó một số con hẻm phải xem xét chuyển thành đường. Mặt khác là phải tìm mọi cách hạn chế xe ô tô con. Đồng thời, TP cũng phải đánh giá lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Năm năm nữa TP.HCM sẽ quá tải Với tình trạng đô thị như hiện nay, khoảng 4-5 năm nữa TP.HCM sẽ quá tải. TP.HCM không nên cho xây chen cao ốc vào trung tâm mà nên tập trung về các khu xây dựng mới chẳng hạn như Thủ Thiêm. Trước đây TP có ý định xây dựng trung tâm hành chính tại Thủ Thiêm là rất tốt nhưng không hiểu tại sao không thực hiện. Hiện nay một vấn đề rất đáng lo ngại là một số khu vực như Ba Son, Tân Cảng cũng đang rục rịch cho xây dựng các cao ốc lớn. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đến hạ tầng cũng như phá vỡ kiến trúc đô thị của khu trung tâm. Do vậy TP cần xem xét đánh giá lại. Thiết nghĩ ai muốn xây nhà cao tầng tại khu Thủ Thiêm thì tạo điều kiện tối đa nhưng riêng khu Ba Son thì cần xem xét ngừng cấp phép xây dựng các công trình tại khu vực này trong vòng 10-20 năm nữa. TS-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN |