Cuối tuần qua NHNN đã ban hành Thông tư 40 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2012) quy định việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động của NHTM cổ phần. Theo đó, hạn chế NH đầu tư chéo lẫn nhau gây sự lũng đoạn hệ thống. Các chuyên gia NH cho rằng đây là cơ sở pháp lý bước đầu giúp NHNN tái cơ cấu hoạt động của hệ thống NHTM trong năm 2012.

Siết điều kiện thành lập mới


So với Thông tư 09 ngày 26-3-2010 của NHNN về việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP, Thông tư 40 có một số nội dung mới về điều kiện đối với cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập NH.


Theo đó, bổ sung điều kiện cổ đông, thành viên sáng lập của NH mới không được là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược một tổ chức tín dụng (TCTD) khác tại Việt Nam.


Hạn chế sở hữu nhiều ngân hàng

Quy định này nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống NHTM, xung đột lợi ích và bảo đảm nguồn lực tài chính của một cổ đông, thành viên sáng lập tập trung vào một NHTM. Thông tư cũng bổ sung điều kiện cổ đông, thành viên sáng lập NH phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định nhằm đảm bảo năng lực tài chính thực sự lành mạnh.


Ngoài ra còn có quy định tổ chức là cổ đông, thành viên sáng lập phải có lãi trong 5 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập NH mới, tăng 2 năm so với quy định trước đây là 3 năm.


Đối với tổ chức là NHTM phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, so với quy định trước đây 50.000 tỷ đồng. Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo sàng lọc các tổ chức tham gia thành lập NH thực sự có tiềm lực tài chính, đáp ứng được các yêu cầu phát triển mới của hệ thống NH. Đặc biệt bổ sung điều kiện “Tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Các TCTD".


Theo đó, NHTM, công ty con của NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác trong giới hạn quy định của NHNN. Quy định này nhằm hạn chế việc sở hữu chéo giữa các NH trong hệ thống. Thông tư 40 thay thế điều kiện về tỷ lệ nợ xấu bằng quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ nhằm phản ánh được khả năng quản trị rủi ro và sự chuẩn bị của NHTM khi tổn thất phát sinh.


Cần giải pháp mạnh hơn


Hầu hết ý kiến giới tài chính đều ủng hộ Thông tư 40 của NHNN. Bởi thực tế thời gian qua do chưa có quy định khống chế, nên việc các NH góp vốn vào NH khác diễn ra phổ biến, trong đó không ít trường hợp đầu tư cùng lúc từ 2 NH trở lên.


Đơn cử như Vietcombank từng góp vốn vào 5 NH cổ phần khác, với tỷ lệ nắm giữ 4-11%. Eximbank và ACB cùng đầu tư dài hạn vào 3 NH. Đáng lo ngại là tình trạng đầu tư lòng vòng giữa các NH với nhau, kiểu NH A đầu tư vào NH B, rồi NH B đầu tư cho NH C và C lại đầu tư vào A hoặc ngược lại.


Điều này khiến vốn đầu tư vào các NH trở nên kém thực chất. Tuy nhiên, không dễ để các NH thoái vốn đầu tư về đúng hạn mức cho phép. Vì vậy, NHNN nên có giải pháp và lộ trình để các NH thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ nắm giữ tại NH khác mà không gây xáo trộn trên thị trường.


Trong các số báo trước, ĐTTC phản ảnh nhiều ông chủ của NH nhỏ đã thông qua công ty “sân sau” để phát hành trái phiếu nhằm lấy vốn đầu tư vào NH. Để hạn chế tình trạng này, cuối tuần qua NHNN cho biết sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt năm 2012, tối đa là 15-17%.


Việc khống chế tín dụng với trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp NHNN quản lý chặt hơn dòng vốn tín dụng, đồng thời hạn chế các ông chủ NH lách luật mượn vốn NH để đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, không ít trường hợp ông chủ NH thông qua nhiều đại diện tên khác nhau để sở hữu cùng lúc nhiều NH.


Và khi là ông chủ của các NH họ có thể lèo lái, dùng NH mà mình đầu tư phục vụ cho hoạt động kinh doanh ngoài ngành. Vì vậy, bên cạnh những quy định cần thiết như Thông tư 40 NHNN cũng cần kèm theo những biện pháp giám sát, kiểm soát cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng “lách” thông tư này để lũng đoạn thị trường.

Theo Thanh Thiên (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.