Các điều kiện được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đối với kinh doanh vàng miếng đã khiến các doanh nghiệp (DN) nhỏ trong lĩnh vực này thất vọng do không thể đáp ứng được, trong khi các DN lớn lại có thái độ hoàn toàn ngược lại.

Doanh nghiệp nhỏ: khó sẽ lách

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị nào không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải ngừng kinh doanh mặt hàng này từ ngày 30/1/2013.

Theo đánh giá của giới kinh doanh vàng, khoảng 12.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng miếng trên cả nước sẽ khó đáp ứng được các điều kiện khá chặt chẽ, đòi hỏi vốn điều lệ lớn…. Vì thế, dự báo, sẽ còn rất ít doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện đã có 21 đơn vị trên địa bàn Thành phố xin phép kinh doanh vàng miếng và sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá, có 19 đơn vị đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng (gồm 8 ngân hàng, 11 doanh nghiệp). Hồ sơ các đơn vị này đã được gửi tới NHNN xem xét.

Cũng theo ông Minh, các cửa hàng, công ty kinh doanh vàng bạc tư nhân sẽ quay trở về với mặt hàng truyền thống là mua bán, gia công đồ trang sức. “Song sẽ rất khó có thể loại trừ triệt để việc kinh doanh vàng miếng ở các cửa hàng nhỏ”, ông Minh thừa nhận.

Được biết, nhiều đơn vị không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh vàng miếng đã đến Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố xin chuyển đổi giấy phép từ kinh doanh vàng sang kinh doanh mặt hàng đá quý, tuy nhiên, việc các đơn vị này có âm thầm mua bán vàng miếng hay không thì rất khó có thể đưa ra nhận định chính xác.

Ông Huỳnh Trung Kháng, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng đã cho rằng, việc hạn chế kinh doanh vàng miếng được NHNN thực hiện là nhằm thiết lập lại trật tự cho thị trường vàng, song về lâu dài, để quản được thị trường vàng là rất khó.

Doanh nghiệp lớn được hưởng lợi

Trong khi doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ đang buộc phải rút khỏi thị trường do không đáp ứng được các quy định mới, thì các doanh nghiệp lớn lại tỏ ra rất vui mừng. Đối với các doanh nghiệp lớn, việc đáp ứng điều kiện để được cấp phép là quá dễ dàng. Hơn nữa, họ đã có sẵn mạng lưới kinh doanh, nên sẽ rất thuận lợi cho việc mua - bán vàng miếng.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji cho biết, Doji là một trong số ít doanh nghiệp được cấp phép sản xuất và kinh doanh vàng miếng và sẽ hỗ trợ rất tốt giúp TienPhong Bank có được lĩnh vực phát triển mũi nhọn, mang lại hiệu quả tích cực cho Ngân hàng. Đây chính là thị trường tiềm năng cho TienPhong Bank khai phá, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và có được số lượng khách hàng đáng kể trong thời gian tới.

“TienPhong Bank chỉ chờ được NHNN cấp phép chính thức sẽ triển khai nghiệp vụ kinh doanh vàng, tham gia ổn định thị trường vàng. Khách hàng chắc chắn sẽ sớm mua được vàng miếng tại các điểm giao dịch TienPhong Bank”, ông Phú cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ cho biết, thực hiện quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ, PNJ không còn sản xuất vàng miếng nhãn hiệu PNJ, nhưng Công ty vẫn được kinh doanh bán lẻ và bán buôn (sỉ) vàng miếng SJC, do đã đáp ứng tốt tất cả các điều kiện theo quy định tại Nghị định. Vì thế, theo bà Dung, kế hoạch trong thời gian tới, PNJ sẽ đẩy mạnh vàng miếng thương hiệu SJC.

Theo Thùy Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.