Giá nhà ở khu trung tâm TP.HCM hiện dao động từ 128 – 152 triệu đồng/m2.
Giá nhà khu trung tâm leo thang
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025, khu vực trung tâm hiện hữu (gồm quận 1 và quận 3) sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020.
TP.HCM sẽ không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trường hợp các dự án nhà ở được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục để đảm bảo điều kiện khởi công.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, mật độ dân số tập trung tại khu trung tâm đang rất cao, do đó Thành phố phải tính toán lại việc cấp phép dự án nhà ở tại khu vực này.
Thông tin hạn chế cấp phép dự án mới khu trung tâm TP.HCM lập tức nhận được phản ứng từ thị trường. Theo khảo sát của PV Infonetkhoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, giá nhà ở tại các dự án đang triển khai tại khu trung tâm có chiều hướng tăng nhanh.
Đơn cử như căn hộ dự án Alpha City (số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) do Công ty CP Phát triển BĐS Alphaking làm chủ đầu tư. Đơn giá căn hộ tại đây đang được rao khoảng 220 triệu đồng/m2, tương ứng mỗi căn hộ có giá trị từ 11 – 44 tỷ đồng.
Có vị trí đắc địa với view sông Sài Gòn, dự án Alphaking Ba Son (còn được biết đến với tên gọi The Centennial Bason; số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1) có giá bán cao ngất, từ 200 – 290 triệu đồng/m2. Dự án có quy mô 205 căn hộ với diện tích từ 59 – 178m2, tính ra mỗi căn hộ tại dự án có giá bán từ 12 – 50 tỷ đồng.
Hay như dự án The Grand Manhattan (số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1) đang được rao bán với giá từ 6.000 USD/m2, tương ứng 140 triệu đồng/m2. Đây là dự án do Công ty CP Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư. Với diện tích từ 68 – 90m2, mỗi căn hộ tại đây đang được rao bán với giá từ 9,5 – 13 tỷ đồng.
Có giá bán cao ngất phải kể đến là dự án The Vertex Private Residences, tọa lạc mặt tiền đường Ngô Văn Năm và Lê Lợi nối dài, quận 1. Dự án do Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt làm chủ đầu tư. Căn hộ officetel tại dự án này đang được rao bán giá 7.000 USD/m2, trong khi đó giá bán căn hộ sở hữu lâu dài lên đến 10.500 USD/m2, chưa bao gồm thuế VAT.
Ở phân khúc thấp hơn, dự án Kỳ Đồng Tower nằm ngay giao lộ Trương Định - Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, giá rao bán ban đầu dao động từ 2,5 - 6 tỷ đồng/căn với diện tích từ 41 - 100m2. Hiện giá căn hộ tại dự án này bán sang tay với mức chênh ít nhất 30%.
Hiện quỹ đất tại trung tâm quận 1 và quận 3 hầu như đã không còn, cộng với việc hạn chế cấp phép dự án mới bị hạn chế nên nguồn cung căn hộ ra thị trường rất ít, số dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xóa thế độc quyền?
Nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cho thấy, giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM trung bình khoảng 5.500 – 6.500 USD/m2, tương đương từ 128 – 152 triệu đồng/m2. Những dự án có vị trí ở quận 1 và quận 2 có tỷ lệ hấp thụ cao, trong đó có không ít khách nước ngoài.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp đang chiếm tỷ lệ khoảng 30%, tương ứng 8.502 căn, trong khi đó phân khúc nhà ở bình dân chỉ có chiếm 24,7%, tương ứng 6.981 căn, còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, đây là biểu hiện của sự lệch pha cung cầu. Cần đưa thị trường phát triển đúng hướng với phân khúc nhà ở giá rẻ chiếm tỷ lệ cao nhất, phân khúc nhà ở cao cấp chỉ chiếm phần nhỏ.
Với tình hình này, chủ tịch HoREA dự báo trong năm 2019 phân khúc nhà ở cao cấp sẽ thừa cung, các dự án cao cấp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm TP.HCM lại được hưởng lợi thế độc quyền bởi quy định hạn chế cấp phép thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020.
Lo ngại những bất ổn của thị trường cũng như xóa bỏ thế độc quyền, đại diện HoREA kiến nghị Thành phố không cấm hẳn việc cấp phép dự án chung cư cao tầng mới tại khu trung tâm mà việc cấp phép sẽ dựa vào việc chọn lọc kỹ những dự án của nhà đầu tư có năng lực, đồng thời có giải pháp góp phần xử lý nạn ùn tắc giao thông, ngập nước, quá tải hạ tầng…
-
Thách thức bất động sản 2019: Thiếu hụt trầm trọng nguồn cung quỹ đất
CafeLand - Giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án… là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp không ra được hàng mới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của bất động sản 2019 chính là thiếu hụt trầm trọng nguồn cung quỹ đất.