30/11/2012 8:32 PM
Để có sức hút về đầu tư, phát triển kinh tế, nhiều diện tích đất nông nghiệp của thành phố Hải Phòng đã được lấy xây dựng thành nhà máy, khu công nghiệp, sân golf...

Đất để hoang của Cty CP Ánh Bình Minh

Nhưng cũng còn có rất nhiều diện tích đất, sau khi DN nhận bàn giao đất đã không còn khả năng triển khai dự án. Nhiều diện tích nông nghiệp bị thu hồi đang để hoang, dẫn đến tình trạng lãng phí, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Nhiều năm vẫn “đắp chiếu”

Huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng, là nơi có nhiều diện tích đất nằm trong các dự án. Riêng xã Lâm Động - Thủy Nguyên có 130/250 ha đất nông nghiệp của các dự án: Cty Đóng tàu Sông Cấm 12 ha, KCN Nam Cầu Kiền 50 ha, Cty Đóng tàu Thành Long 75 ha. Nhưng gần 4 năm qua, chỉ có duy nhất dự án của Cty Đóng tàu Sông Cấm được triển khai theo đúng tiến độ, còn lại đều đang ở trong tình trạng “đắp chiếu”.

Dự án xây dựng khu vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái của Cty CP Đầu tư phát triển Du lịch Tân Quang Minh ở địa bàn 2 xã Thủy Sơn - Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) được cấp chứng chỉ quy hoạch từ tháng 4/2003, với diện tích 151,24 ha. Nhưng đến nay dự án này chỉ mới mọc lên đôi ba công trình “tạm” mang tính chiếu lệ.

Tương tự như vậy là đất dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Cửa Bèo (Cát Bà) do Cty CP Kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, trải qua 4 thay đổi chứng chỉ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chi tiết từ năm 2004 đến bây giờ mới chỉ được coi là hoàn thành… san lấp mặt bằng.

Năm 2005, UBND TP Hải Phòng phê duyệt đề án, cấp 24.000m² đất để xây dựng khu trung tâm trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Năm 2006, TP Hải Phòng mở gói thầu đầu tiên, khởi công xây dựng các hạng mục công trình trong giai đoạn 1 của dự án. Sau hơn sáu năm khởi công xây dựng, tiến độ dự án vẫn giậm chân tại chỗ, 24.000 m² đất bị biến thành bãi đất hoang với cỏ, cây dại mọc cao quá đầu người...

Tại cuộc họp gần đây, một đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho rằng, đa phần các DN đều than thở do tình hình lạm phát, khủng hoảng kinh tế, dẫn tới những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, nhưng cũng không loại trừ những hạn chế về năng lực và tính khả thi của dự án.

Sử dụng sai mục đích

Vụ việc điển hình nhất là của Cty CP Ánh Bình Minh. Với hơn 34.000 m2 tại xã An Tiến - huyện An Lão – TP Hải Phòng, đất sản xuất nông nghiệp được Cty này “đắp chiếu để dành” và tự ý sử dụng đất trái mục đích, tuy nhiên chính quyền vẫn “lực bất tòng tâm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Ngoãn - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Tiến (An Lão, Hải Phòng) cho biết, giai đoạn từ năm 2005 – 2007, với mục đích lập dự án trồng cây sinh thái, ông Nguyễn Thế Nguyên - Giám đốc Cty CP Ánh Bình Minh, đã nhận chuyển nhượng trên 34.000 m2 gồm đất nông nghiệp của một số hộ nông dân và đất 5% của xã An Tiến.

Được biết, sau khi nhận chuyển nhượng xong, ông Nguyên cho san lấp mặt bằng để làm trụ sở Cty và một phần đất làm xưởng sản xuất đồ mộc, trồng cây cảnh, trong khi đó ông Nguyên lại chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Nhiều diện tích nông nghiệp bị thu hồi đang để hoang, dẫn đến tình trạng lãng phí, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Từ đó đến nay, Cty CP Ánh Bình Minh sở hữu trên 34.000 m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp với mục đích “để dành” và ngang nhiên sử dụng đất trái mục đích nhưng chính quyền xã, huyện vẫn “lực bất tòng tâm”. Khi Thanh tra Thành phố, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, Chi cục Thuế huyện và UBND xã về làm việc với DN này cũng đã nhiều lần nhưng không được DN đón tiếp. Chủ DN thì luôn vắng mặt và hiện không biết ở đâu, chỉ có nhân viên và một số công nhân lao động thời vụ ở đó “giữ đất, giữ nhà”. Từ đó đến nay, ngân sách xã, huyện cũng không thu được một khoản thuế nào trên 34.000 m2 đất này.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch UBND huyện An Lão thì, việc Cty CP Ánh Bình Minh tự mở xưởng sản xuất gỗ trên phần đất đó là không nằm trong quy hoạch. Theo ông Thông, khu vực này chỉ có thể làm khu du lịch sinh thái, văn hóa chứ không thể xây dựng khu công nghiệp. Hiện DN này đã sử dụng 16.337 m2 và vẫn còn khoảng 18.000 m2 đất để hoang hóa nhiều năm nay.

Thiết nghĩ, để tránh tình trạng các dự án để đất hoang, chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng cần phải khảo sát thật cụ thể, sát sao nhu cầu sử dụng đất hiện tại cũng như những năm tới để lên kế hoạch và sử dụng có hiệu quả. Vẫn biết việc làm trên không hề đơn giản, nhưng đã đến lúc chính quyền cần vào cuộc để hạn chế tình trạng lãng phí đất đai.

Theo Minh Huệ (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.