Dù là bên tích cực nhất, song sẽ không bất ngờ nếu Hải Phát Invest cùng đại gia Đỗ Quý Hải không phải "trùm cuối" trong thương vụ thâu tóm cựu thành viên Bộ GTVT.

Phối cảnh khu đô thị mới Mỹ Hưng

Cienco5 còn lại gì?

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 vừa công bố của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), một thông tin đáng chú ý là doanh nghiệp này đã chuyển 10,176 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 23,18% tại Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) vào ngày 31/5/2020.

Bên nhận số cổ phần này là CTCP Hải Phát Thủ Đô - một pháp nhân có liên quan tới Hải Phát Invest. Sau giao dịch, Hải Phát Invest chỉ còn 15,5% cổ phần Cienco5 và không còn ghi nhận là công ty liên kết.

Thông tin này chắc hẳn sẽ mang tới không ít bất ngờ cho giới đầu tư, bởi từ trước thời điểm lên sàn chứng khoán tới nay, Hải Phát Invest nhiều lần nhấn mạnh Cienco5 là một "phần quan trọng", và không giấu diếm tham vọng nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên tới 100%. Cùng với đó, Hải Phát Invest cùng Chủ tịch Đỗ Quý Hải, nên biết đã đổ rất nhiều tâm sức trong thương vụ Cienco5.

Hải Phát không phải bên đầu tiên vào Cienco5, mà chỉ trở thành cổ đông lớn sau khi mua đấu giá 23,18% cổ phần cuối năm 2015. Hai nhà đầu tư chiến lược chia đều 31% cổ phần Cienco5 được Bộ GTVT chấp thuận trước đó là CTCP Đầu tư Nam Trí và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Nam Trí là doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nhân Thân Đức Nam (cựu Chủ tịch - TGĐ Cienco5), còn Việt Phương Group là của đại gia Bắc Ninh Phương Hữu Việt.

Hải Phát Invest không lâu sau đó mua lại 15,5% cổ phần từ Nam Trí, cùng "đồng minh" Việt Phương Group sở hữu 54,18% cổ phần Cienco5, trong khi Nhà nước vẫn duy trì 40%.

Hải Phát Invest "vào" Cienco5 với tham vọng chia lại "miếng bánh" Khu đô thị Thanh Hà gần 400 ha - dự án thuộc quyền quản lý của CTCP Địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land). Cienco5 Land được thành lập với 49% cổ phần thuộc về Cienco5, song tỷ lệ này đã giảm mạnh chỉ còn 3%, phần lớn còn lại thuộc về nhóm nhà đầu tư họ Thân. Hải Phát Invest cho rằng việc giảm tỷ lệ này là trái pháp luật, tuy nhiên các bên tranh chấp sau đó được cho là đã tìm thấy tiếng nói chung, kết thúc bằng việc Tập đoàn Mường Thanh mua phần lớn cổ phần trong Cienco5 Land.

Dù mất đi siêu dự án KĐT Thanh Hà, song Cienco5 không vì thế mà không còn giá trị. Ngoài một số dự án địa ốc cỡ nhỏ cùng quyền thu phí BOT Tam Kỳ (vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng), thì sức hấp dẫn lớn hơn cả của Cienco5 chắc hẳn phải là dự án BT trục đường phía Nam Hà Tây và quỹ đất đối ứng.

Trong khi giai đoạn 1 từ Km00 đến Km19-900 đã hoàn thành và được Hà Nội đối ứng bằng KĐT Thanh Hà (đã về tay Tập đoàn Mường Thanh), thì giai đoạn 2 từ Km19+900 đến Km41+500 đã tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Nếu được khơi thông, Cienco5 sẽ được thanh toán bằng Khu đô thị Mỹ Hưng quy mô lên tới 182ha tại huyện Thanh Oai. Tại Bản cáo bạch niêm yết năm 2018, Hải Phát Invest cho biết dự án có tổng mức đầu tư 17.075 tỷ đồng, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã giao đất, đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng. Dự kiến quý 4/2022 hoàn thành.

Dù dự án vẫn còn "giấy", song hiện nay rất nhiều trang mạng đã và đang rầm rộ quảng bá, mời gọi đầu tư vào dự án Mỹ Hưng. Trong bối cảnh đó, thì chủ sở hữu thực sự của dự án (nếu được chấp thuận) vẫn còn là một ẩn số lớn.

Hình bóng chủ mới

Trở lại với BCTC soát xét của Hải Phát Invest, doanh nghiệp này cho biết 23,18% cổ phần Cienco5 chuyển cho Hải Phát Thủ Đô được thực hiện theo hợp đồng uỷ thác đầu tư số 342/2015/HĐ-UQ giữa hai bên cách đây 5 năm. Hay nói cách khác, Hải Phát Thủ Đô uỷ quyền cho Hải Phát Invest tham gia phiên đấu giá Cienco5 vào cuối năm 2015. Báo cáo tài chính Hải Phát Invest từ năm 2016 cũng duy trì khoản phải trả 202,2 tỷ đồng đối với Hải Phát Thủ Đô, trước khi hoàn trả lại cùng lô cổ phần Cienco5 vào ngày 31/5 vừa qua. Hải Phát Invest, bởi vậy không ghi nhận lãi hay lỗ từ nghiệp vụ này.

Trong khi đó, Hải Phát Thủ Đô, nên biết, đã âm thầm nhận sang tay 15,5% cổ phần Cienco5 từ Việt Phương Group, và đầu năm nay cũng đã dễ dàng mua lại 40% cổ phần Cienco5 sau đợt đấu giá của SCIC. Cùng với 23,18% từ Hải Phát Invest, Hải Phát Thủ Đô lúc này trên sổ sách là công ty mẹ, sở hữu tới 78,68% cổ phần Cienco5.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2020, cổ đông Hải Phát Invest đã thông qua kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu trong Hải Phát Thủ Đô từ 13,76% hiện nay lên mức chi phối. Với những dữ kiện như vậy, chắc hẳn không ít người nhận định Cienco5 cùng KĐT Mỹ Hưng 182ha về bản chất vẫn là "cuộc chơi" của nhóm Hải Phát.

Tuy nhiên, những thông tin dưới đây của Nhadautu.vn chắc hẳn sẽ mang tới không ít bất ngờ. Cuối tháng 3/2020, ngay sau khi nhận lô 40% cổ phần Cienco5 từ SCIC, Hải Phát Thủ Đô đã mang thế chấp toàn bộ tại CTCP HBI, và sau đó thế chấp tiếp 15,5% mua từ Việt Phương. Ở diễn biến đồng pha, Hải Phát Invest cũng thế chấp 15,5% cổ phần tại HBI. Tổng cộng, số cổ phần Cienco5 mà HBI nhận thế chấp từ nhóm Hải Phát lên tới 70%.

Phải nhấn mạnh rằng việc các doanh nghiệp nhận thế chấp của nhau là nghiệp vụ không có gì bất thường. Trong trường hợp này, có thể nhóm Hải Phát có nghĩa vụ nợ với HBI và phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên lưu ý là với tỷ lệ 70%, HBI coi như nắm quyền định đoạt tại Cienco5, và không loại trừ giả thiết các bên có với nhau một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trong đó quy định bên mua nhận cầm cố cổ phần và yêu cầu bên bán hoàn tất một số yêu cầu nhất định.

Tất nhiên, đây chỉ là một kịch bản mà tính xác thực chỉ có những người trong cuộc mới tường tỏ hơn cả. Dù vậy, nên biết rằng đứng sau HBI là hình bóng của một tập đoàn địa ốc mới nổi đầy tham vọng - MIK Group, cùng sự trợ lực xuyên suốt và bền bỉ từ Ngân hàng VPBank.

Cùng với quỹ đất đáng nể tại TP.HCM, Phú Quốc, Khánh Hoà; ở Hà Nội, MIK Group những năm qua miệt mài M&A các dự án quy mô lớn, là bộ đôi Khu đô thị mới An Thịnh quy mô 772.495 m2 và Khu đô thị Vinalines có diện tích 114,196ha ở Mê Linh; Tổ hợp sân gôn Sky Lake Golf & Resort Club gần 200ha ở Chương Mỹ; 33.408 m2 tại Vinhomes Smart City Đại Mỗ; Khu đô thị mới Thịnh Liệt 35ha ở Hoàng Mai, hay dự án Golden Palace A quy mô 398.191 m2 tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm mua từ vợ chồng doanh nhân Khoa "khàn" mà nay đang được MIK Group phát triển với tên gọi The Matrix One Mễ Trì...

  • Hancorp thoái vốn khỏi ICON 4

    Hancorp thoái vốn khỏi ICON 4

    CafeLand - Ngày 1/9 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP sẽ bán đấu giá để thoái vốn 4.137.500 cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON 4), tương ứng hơn 41,37 tỷ đồng theo mệnh giá, chiếm gần 26% vốn điều lệ của ICON 4với mức giá khởi điểm 26.000 đồng/cổ phần.

Xuân Tiên (NĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm
  • Ông Đỗ Quý Hải

    Ông Đỗ Quý Hải

    Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát.

  • Dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô