Hòa Phát, Hoa Sen cùng cài “số lùi”
Bức tranh ngành thép năm 2023 sẽ khó khởi sắc do thị trường bất động sản được dự báo gặp nhiều khó khăn. Do vậy, kế hoạch kinh doanh trong năm nay của nhiều công ty đưa ra cho thấy chỉ ở mức cầm chừng.
Trong đó, hai doanh nghiệp đầu ngành thép như Hòa Phát hay Hoa Sen cũng phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận so với mức nền thấp của năm trước.
Kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 của hai doanh nghiệp đầu ngành thép đưa ra cho thấy chỉ ở mức cầm chừng
Hòa Phát lên kế hoạch lãi 8.000 tỉ đồng
Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã:HPG) đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ lên 150.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5% nhưng lãi sau thuế chỉ ở mức 8.000 tỉ đồng, giảm hơn 440 tỉ đồng so với năm 2022.
Các chỉ tiêu này vừa được HĐQT Hòa Phát thông qua ngày 22/2 để trình cổ đông tại phiên họp thường niên cuối tháng 3 tới đây.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của ông lớn ngành thép này đi xuống rõ rệt trong nửa cuối năm ngoái. Cụ thể, Hòa Phát của Chủ tịch Trần Đình Long lỗ lần lượt hơn 1.780 tỉ đồng trong quý 3 và xấp xỉ 2.000 tỉ đồng tại quý 4.2022.
Tính chung cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 141.409 tỉ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8.444 tỉ đồng, đều thấp hơn mục tiêu do đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỉ đồng doanh thu và 25.000-30.000 tỉ đồng lợi nhuận.
Năm nay, công ty của ông Trần Đình Long cũng dự kiến không chia cổ tức. Tính đến hết 31.12, Hòa Phát còn lại khoảng 8.400 tỉ đồng lợi nhuận sau khi trích các quỹ. Tuy nhiên, theo công ty, số tiền này sẽ được để lại dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Hòa Phát dự kiến không chia cổ tức từ khi niêm yết. Từ năm 2007 đến 2021, doanh nghiệp này vẫn đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền và cổ phiếu, với tỷ lệ thấp nhất là 20%.
Hòa Phát lên kế hoạch lãi 8.000 tỉ đồng cho cả năm 2023, giảm 5% so với mức nền thấp của năm trước
Dù vậy, mục tiêu doanh thu vừa đưa ra của Hòa Phát trong năm 2023 đều cao hơn dự báo của một số công ty chứng khoán gần đây. Đơn cử, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự tính Hòa Phát tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn thép năm nay, giảm 16%. Doanh thu có thể đạt 126.770 tỉ đồng và lãi ròng gần 3.800 tỉ đồng.
Theo KBSV, Hòa Phát có thể lỗ tiếp 130 tỉ đồng tại quý đầu năm nay khi doanh thu giảm 44% xuống 24.588 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh của Hòa Phát có thể cải thiện bắt đầu từ quý 2, với giả định các cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sôi động hơn.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra dự báo lạc quan hơn với doanh nghiệp đầu ngành này. SSI Research cho rằng Hòa Phát sẽ đạt 121.000 tỉ đồng doanh thu cả năm 2023, giảm 14% so cùng kỳ. Tuy nhiên, SSI lại dự tính lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát ở mức 9.700 tỉ đồng, cao gấp hơn con số 8.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp này đưa ra mới đây.
Hoa Sen đặt mục tiêu không lỗ
Trước Hòa Phát, một “ông lớn” trong ngành khác là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng đã công bố văn kiện Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022-2023, trong đó đề cập đến các phương án kinh doanh khác nhau.
Cụ thể, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỉ đồng và 300 tỉ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.
Kịch bản đầu tiên của Hoa Sen dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỉ đồng và lãi sau thuế 100 tỉ đồng. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỉ đồng và lãi 300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản trên đều kém xa mức mà Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỉ đồng và cao nhất 1.650 tỉ đồng.
Lãnh đạo Hoa Sen cho biết, xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.
Đặt niềm tin vào thị trường bất động sản, đầu tư công
Mặc dù còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thép vẫn lạc quan nhận định giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua. Dù vậy, các bên vẫn đang theo dõi để có những phương án linh hoạt trong thời gian tới, đặc biệt là nửa đầu năm 2023 khi tình hình chung còn nhiều biến động.
Trong thông báo của mình, Hòa Phát đánh giá: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Công ty đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt”.
Sau khi khởi động lại một lò cao tại Khu Liên hợp Hải Dương vào tháng 12/2022, Hòa Phát đang xem xét khởi động lại ba lò cao khác trong nửa đầu năm 2023. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn.
Các công ty chứng khoán cho rằng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu thép trong những tháng tới. Tuy nhiên, tình hình sẽ có sự cải thiện từ quý 2.2023 trở đi khi các cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sôi động hơn.
Ngoài việc chờ đợi sự phục hồi của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp thép cũng tin tưởng đầu tư công mạnh trong năm 2023 sẽ thúc đẩy tăng tiêu thụ thép.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giải ngân tối thiểu 675.000 tỉ đồng, tương đương ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
-
Hơn 160.000 cổ đông Hòa Phát sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt
Hòa Phát sẽ giữ lại toàn bộ 8.402 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2022 để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và không trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm vừa qua.
-
Hòa Phát bị “vạ lây” từ khó khăn của bất động sản
Bên cạnh áp lực biến động tỷ giá và lãi suất tăng cao, những khó khăn của thị trường bất động sản có thể khiến Hòa Phát tiếp tục thua lỗ trong quý đầu năm 2023.
-
Kỳ vọng gì với "game" thoái vốn Nhà nước tại Công ty thép 57 năm tuổi có trụ sở ở Đồng Nai?
Mặc dù tăng hơn 105% chỉ sau hai tuần, thị giá hiện tại của cổ phiếu Thép Vicasa vẫn thấp hơn 27% so với mức giá thoái vốn dự kiến.
-
Cổ phiếu tăng trần liên tục bất chấp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải trình “không biết nguyên nhân”
Cổ phiếu tăng trần hơn 5 phiên liên tục khiến doanh nghiệp thép này phải giải trình theo quy định.
-
Cổ đông một hãng thép có tiếng tại miền Nam sắp nhận tin vui dịp cuối năm
Ngày 20/12 tới đây, Thép Nam Kim sẽ chốt danh sách cổ đông để nhận cổ phiếu thưởng và thực hiện quyền mua cổ phiếu. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu NKG sẽ được nhận về 20 cổ phiếu mới....