Mặc dù Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về việc hạ trần lãi suất huy động của các Ngân hàng thương mại (NHTM) xuống mức 14% và cho vay là 17-19% nhưng vẫn có không ít ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của Chỉ thị này.

Hạ trần lãi suất: Kỳ vọng đến đâu?

Hạ trần lãi suất: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận.


Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn


Ngày 7/9, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động bằng VNĐ và USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, xung quanh tín hiệu này đã có rất nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp,…


Ngay sau khi thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm theo quy định của cơ quan nhà nước, các NHTM có vẻ như bắt đầu e ngại hơn khi những chế tài xử lý hết sức rõ ràng được tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố với thái độ rất quyết liệt.


Ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng TNP cho rằng: Việc giữ trần lãi suất 14% là rất cần thiết bởi việc duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm sẽ là điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Thông qua đó, việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các doanh nghiệp vốn đang chịu ảnh hưởng nặng của chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm, giảm bớt chi phí tài chính và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng sản xuất đình đốn.


Tuy nhiên, theo đại diện của một NHTM ở Hà Nội, khi mức trần lãi suất tiền gửi được áp dụng, độ hấp dẫn vào kênh này chắc chắc sẽ giảm nhiều. Nếu như trước đây, với số tiền vài tỉ đồng khách hàng có thể thương lượng với NH với mức huy động 16%, thậm chí 17% thì giờ đây họ chỉ nhận tiền lãi như khoảng tiền gửi vài trăm triệu đồng vào khoảng hơn 13%, miễn thương lượng và không có quà khuyến mãi. Vì vậy, giới trong ngành nhìn nhận rằng thời gian tới thị trường sẽ đón nhận lượng tiền lớn rút ra khỏi kênh đầu tư này.


Về phía doanh nghiệp, một số quan điểm cho rằng, dù cho việc giảm lãi suất được thực hiện nhưng việc tiếp cận vốn vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không hề dễ dàng do các ngân hàng thương mại sẽ tìm cách “lách” để gây khó dễ cho doanh nghiệp.


Xung quanh vấn đề này, ông Kỳ Anh chia sẻ: Mặc dù NHNN đã “ép một cách cứng rắn” các NHTM cho vay với mức lãi suất 17-19% nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ khó tiếp cận với các nguồn vốn bởi không loại trừ khả năng các NHTM sẽ “vẽ” ra các phụ phí để tăng thu. Và trên thực tế, khi chính sách thắt chặt tiền tệ áp dụng, hầu hết các khoản vay tại ngân hàng chỉ dựa trên quan hệ cá nhân, quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với ngân hàng… Còn số phận những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận với các khoản vay, buộc họ phải đi vay chợ đen.


Cần đã có nhưng vẫn… hoài nghi


Quyết tâm hạ lãi suất cho vay xuống còn 17-19%/năm của NHNN đã được các NHTM đồng thuận và ủng hộ. Thế nhưng, vấn đề là thông điệp mạnh mẽ song đã đủ sức lập kỷ cương và xử lý tận gốc vấn đề cho thị trường chưa, khi bài học đồng thuận lãi suất huy động VNĐ 14%/năm đã có và đã bị vi phạm.


Còn nhớ, hồi tháng 12 năm ngoái, NHNN cũng đã có sự nhất trí cao của các NHTM về việc đưa mặt bằng lãi suất huy động VNĐ bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm song tình trạng khuyến mãi lãi suất, thậm chí mặc cả lãi suất, đưa lãi suất huy động vượt trần diễn ra khá phổ biến.


Lần này, với những chế tài xử phạt nghiêm khắc như nếu tổ chức tín dụng (TCTD) nào vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành; Người quản lý, người điều hành của TCTD bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính TCTD đó trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động vốn hoặc cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.


Động thái này của NHNN được kỳ vọng sẽ lập kỷ cương cho thị trường tiền tệ. Song vẫn có những ý kiến lo ngại rằng, chừng đó vẫn chưa đủ bởi lẽ việc lãi suất huy động cũng như tăng trưởng tín dụng được đánh đồng về một mức thì các NHTM nhỏ sẽ ở “thế dưới” trong cạnh tranh huy động vốn, do yếu về thương hiệu, mạng lưới. Và như thế lại rất dễ xảy ra tình trạng các NHTM nhỏ “lách trần” lãi suất. Khi đó, các ngân hàng lớn không thể đứng ngoài cuộc để rồi ganh đua lãi suất lại bắt đầu.


Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Bên cạnh các chế tài xử phạt mạnh thì NHNN cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ thanh khoản cho NHTM nhỏ, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc. Điều này sẽ giúp NHNN có thêm nguồn hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM mà không phải cung thêm tiền và làm ảnh hưởng đến lạm phát.


Mặc dù, tân Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế và hệ thống NHTM nhưng cũng cần phải thấy rằng: Giảm lãi suất huy động và cho vay lúc này đòi hỏi cần phải đưa thêm lượng tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, việc làm này phải được tiến hành một cách chặt chẽ.


Thông điệp vừa được NHNN đưa ra cũng cho thấy, trước mắt những quy định với cho vay lĩnh vực phi sản xuất vẫn được duy trì, NHNN sẽ trình Chính phủ cho phép có những điều chỉnh phù hợp. Vấn đề là chọn thời điểm nào để có điều chỉnh phù hợp với cho vay lĩnh vực phi sản xuất cũng phải là cái “khéo” trong điều hành của NHNN bởi nếu không, đây lại là nguồn cơn cho lạm phát và khó cho hạ việc lãi suất.


Tuy nhiên, theo ông Kỳ Anh thì ngưỡng 17-19% mới chỉ là bước đầu và cũng chưa đủ liều để các doanh nghiệp bật dậy.


Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn bày tỏ mong muốn mức lãi suất cho vay là 14-15%.

Theo Thanh Ngọc (PetroTimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.