Thời điểm PV có mặt tại xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, cũng là lúc rất nhiều công trình đường giao thông nông thôn, trung tâm văn hoá, thể thao được đầu tư xây dựng. Theo đó, tình trạng khai thác đất trái phép cũng diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi mà không hề có bất kỳ một cơ quan chức năng nào đứng ra ngăn chặn, xử lý.
Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ngang nhiên
Khắp các làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những quả đồi bị đào bới, đục khoét nham nhở và từng đoàn xe ô tô tải chở đất nối đuôi nhau rú ga phi ầm ầm, bóp còi inh ỏi. Cảnh tượng này khiến cho không ít người dân hết sức bức xúc, bởi nguồn tài nguyên nơi đây đang bị khai thác tràn lan, ngoài tầm kiểm soát rồi kéo theo đó là những ẩn họa về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dương, một người dân ở xóm 1 Văn Giang, xã Đức Giang cho biết: “Thấy doanh nghiệp cần đất đắp đường thì tôi bán, một mặt để cải tạo vườn, mặt khác còn thu về một khoản tiền khá lớn cho gia đình. Hiện nay, không chỉ có gia đình tôi mà còn rất nhiều người dân khác cũng cải tạo vườn, bán đất, thu về hàng chục triệu đồng mà chẳng thấy có ai ngăn cấm”.
Thực tế cho thấy, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà việc khai thác đất tràn lan khiến cho không ít khu vườn trở nên trống trải, thậm chí có nhiều nơi còn tạo thành những hố sâu hoặc những mái ta luy dựng đứng có thể đổ sập vào nhà dân bất cứ lúc nào.
Bởi hầu hết tại các khu vườn này máy ủi, máy đào đều hoạt động hết công suất ngay sát móng nhà, mép tường ở độ cao hàng chục mét. Nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa lũ, hệ sinh thái biến đổi theo hướng bất lợi là có thể xảy ra và không loại trừ những tai nạn rủi ro nếu chỉ cần chủ quan, lơ là.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay giá bán đất giao động từ 200.000 – 300.000 đồng/1 xe ô tô tải với khối lượng từ 7 đến 10m3 đất. Riêng ở xã Đức Giang, chỉ có duy nhất một bãi đất tại Động Lay, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép vào năm 2015 với diện tích 2ha.
Mục đích của bãi đất này là để tận thu, khai thác đất phục vụ xây dựng các công trình nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, điều nghịch lý là bãi đất đã được quy hoạch thì hầu như không sử dụng, mà thay vào đó là các doanh nghiệp lại ồ ạt mua đất trong dân, lợi dụng nhu cầu cải tạo vườn tạp để lấy đất phục vụ thi công các công trình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Vinh- Chủ tịch UBND xã Đức Giang thừa nhận: “Hiện nay, việc khai thác đất trái phép trên địa bàn xã diễn ra rất nhiều, nhưng bãi đất ở rú Động Lay thì vẫn chưa được khai thác, sử dụng đúng mục đích. Nguyên nhân là do người dân thì có nhu cầu cải tạo vườn tạp nhưng lại không có máy đào đất, còn doanh nghiệp lại cần đất đắp gần với chân công trình nên cả hai bên tự ý thỏa thuận mua bán”.
Cũng theo ông Vinh, quy định cải tạo vườn tạp mà lợi dụng khai thác đất bán đi nơi khác là sai. Nhưng thấy nhu cầu của người dân, doanh nghiệp như vậy nên chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, không đứng ra ngăn cản.
Đức Giang là xã miền núi thường phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ. Việc khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan tại địa phương này nếu không được kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì nguy cơ “chảy máu” tài nguyên thiên nhiên, thất thoát nguồn thu ngân sách và những hệ lụy đối với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân là khó tránh khỏi./.