Đã thu hút gần 1.500 dự án
Năm 2022, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 19 dự án. Trong đó, 17 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD. Tỉnh này đã kết nối, xúc tiến dự án với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Theo thống kê, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.470 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 508.921 tỉ đồng (tương đương 22,125 tỉ USD). Trong đó có 1.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 138.104 tỉ đồng (tương đương 6 tỉ USD) và 68 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 370.921 tỉ đồng (tương đương 16,125 tỉ USD).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… vào đầu tư các dự án trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Hà Tĩnh cũng đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, mời gọi đầu tư và tìm đầu ra cho các sản phẩm của tỉnh.
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp ô tô, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, khu đô thị. Tập đoàn VSIP nghiên cứu dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại huyện Thạch Hà. Công ty CP Tập đoàn Ecopark nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị tại Nghi Xuân. Tập đoàn Sungroup nghiên cứu đầu tư Tổ hợp dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Thiên Cầm. Tập đoàn GS Holding nghiên cứu đầu tư Tổ hợp sân golf Thịnh Lộc.
Bên cạnh đó còn có Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn TH nghiên cứu các dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh tại huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang. Công ty cổ phần Tập đoàn IPC nghiên cứu đầu tư Dự án nhà máy điện gió tại huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên; Công ty Waynergy Pte.Lte đề xuất nghiên cứu khảo sát các dự án điện gió.
Chờ đợi dòng vốn đầu tư lớn
Trong tháng 5 này, Hà Tĩnh sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Hội nghị được tổ chức lần này nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, cam kết đầu tư đối với nhiều dự án lớn trên địa bàn.
Hà Tĩnh xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu sẽ trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.
Tại Hà Tĩnh sẽ có bốn ngành trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Tại tỉnh cũng có ba trung tâm đô thị lớn. Trong đó, trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh với thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh.
Trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Hà Tĩnh còn có ba vùng động lực phát triển. Trong đó, thành phố Hà Tĩnh là đô thị cấp vùng, hỗ trợ cho sự phát triển vùng liên tỉnh.
Thị xã Kỳ Anh với Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ phía nam Hà Tĩnh; tập trung phát triển công nghiệp luyện thép, chế biến, chế tạo sau thép, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và du lịch nghỉ dưỡng.
Thị xã Hồng Lĩnh gắn với huyện Nghi Xuân là trung tâm kinh tế phía bắc của tỉnh, kết nối với các địa phương lân cận để khai thác tiềm năng phát triển, với các ngành mũi nhọn là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch.
Tại tỉnh cũng sẽ có một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Quy hoạch cũng xác định hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Trong đó có một số dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch, thể thao đáng chú ý như, Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó có kinh doanh đặt cược; Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân gôn Kỳ Nam; Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân gôn tại thị trấn Thiên Cầm; Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân gôn tại Cẩm Dương; Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng, sân gôn quốc tế Thịnh Lộc;…
-
Hà Tĩnh điều chỉnh, mở rộng khu du lịch biển Lộc Hà theo hướng nào?
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch biển Lộc Hà, tỷ lệ 1/2.000.
-
Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế vào năm 2050
Ngày 3/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều định hướng quan trọng.
-
Chính phủ thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030
Chính phủ vừa ban Nghị quyết 149/NQ-CP ngày 23/9/2024 về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Năm 2025 sẽ có thêm một thành phố trực thuộc trung ương
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 891 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.