Được biết, theo quy hoạch dự án, khu tái định cư Kiến Hưng rộng khoảng 16ha, trong đó có 2,5ha để xây dựng 5 tòa nhà dành cho người thu nhập thấp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tháng 8-2010, liên danh Vinaconex Xuân Mai và Vinaconex 21 khởi công xây dựng 3 tòa nhà với tổng số 864 căn hộ. Tòa nhà 19T3 được khánh thành và bàn giao tháng 11-2012, tiếp đó hai tòa nhà 19T5 và 19T6 được bàn giao tháng 1-2014. Đến nay, 746 căn hộ đã có người dân đến ở, nhưng bà con không khỏi thất vọng về hạ tầng cơ sở nơi đây.
Có mặt tại khu nhà dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng, chúng tôi thấy quang cảnh không khác vùng đất hoang. 3 tòa nhà cao đến 19 tầng nhưng trông vẫn lọt thỏm giữa những khoảng đất trống mênh mông, cỏ dại mọc um tùm. Xung quanh các tòa nhà không có một sân chơi nào chứ chưa nói đến các hạ tầng xã hội khác.
Bác Trần Kim Hảo, cựu chiến binh sống ở phòng 504 nhà 19T6 cho biết: “Các cột đèn đường trong khu tái định cư đều đã có nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy sáng đèn, nên từ chập tối, nơi đây chẳng khác gì ốc đảo. Ở đây, cứ tối đến là bà con không dám ra ngoài, vì ai cũng ngại vượt qua đoạn đường tối tăm cả cây số chạy qua nghĩa địa và cánh đồng hoang vắng”.
Lối vào khu nhà chỉ có một con đường độc đạo từ sân bóng Mậu Lương, dài chừng 1km. Trong đó, có đoạn dài hơn 400m, mặt cắt 18,5m đang thi công dang dở. Được biết, từ đầu năm đến nay, trên con đường này đã xảy ra hai vụ cướp mà nạn nhân là cư dân trong tòa nhà. Chính vì vậy, người dân nơi đây rất lo lắng khi có việc phải về muộn. Mọi hoạt động tập thể dục, đi bộ buổi tối như thói quen của nhiều người trước khi chuyển đến đây cũng đành gác lại, bởi bước khỏi vỉa hè tòa nhà là một màu tối đen. Thêm vào đó, nơi đây mới chỉ có chợ dân sinh họp tự phát, cung cấp thực phẩm đơn giản, nên khi nhà có khách, người dân đều phải đi chợ Mậu Lương cách nhà tới 4km. Đến nay, cả 3 tòa nhà vẫn chưa thành lập được ban quản trị, tổ dân phố và các tổ chức xã hội. Để đỡ buồn, một số cựu chiến binh ở đây đã phải viết đơn gửi đến UBND phường Kiến Hưng trình bày nguyện vọng để được sắp xếp sinh hoạt ghép với Hội Cựu chiến binh tổ 10 của phường cách nhà 3km. Song, có lẽ đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là các cháu trong độ tuổi tiểu học. Diện tích đất làm sân chơi ở đây toàn cỏ dại mọc và trường tiểu học gần nhất cũng cách nhà không dưới 4km.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông cho biết: Hầu hết trục đường nội bộ trong khu tái định cư Kiến Hưng mà UBND quận Hà Đông được giao làm chủ đầu tư đã được hoàn thiện, đã có cột đèn nhưng chưa hoạt động. Chỉ còn một đoạn đường dẫn đến tòa nhà 19T3 còn dang dở, chưa có cột đèn và do chưa được bố trí vốn nên chưa thể đóng điện chiếu sáng trên toàn tuyến. Để khắc phục tình trạng không đèn đường, tới đây, chúng tôi sẽ gặp gỡ người dân, tiếp đó có ý kiến với Điện lực quận Hà Đông để có thể bật sáng các đèn đường sát 3 tòa nhà phục vụ người dân.
Ông Xuân cho biết thêm: Cuối năm 2013, UBND thành phố đã chấp thuận cho đầu tư xây dựng 2 trường học, dự kiến tháng 6-2014 có thể khởi công và đầu quý 1-2015 đưa vào sử dụng. UBND quận đã giao UBND phường Kiến Hưng kêu gọi nhà đầu tư làm công tác xã hội hóa công trình khu vui chơi, sân thể dục thể thao, bãi đỗ xe. Riêng việc xây chợ, trạm y tế, UBND quận Hà Đông cũng đang triển khai thủ tục xin thành phố hỗ trợ nguồn vốn.
Được biết, năm 2013, khu đất tái định cư Kiến Hưng đã được UBND quận Hà Đông tổ chức đấu giá với số tiền thu được hàng trăm tỷ đồng. Bác Đỗ Hữu Triệu ở phòng 1105 nhà 19T5 bức xúc: “Nguyện vọng bức thiết nhất hiện nay của chúng tôi là khẩn trương làm xong đường, lắp và bật đèn đường chiếu sáng cho dân. Về lâu dài, các ban ngành chức năng cần khẩn trương làm trường học, trạm y tế, khu vui chơi… như đã cam kết để người dân ổn định cuộc sống”.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân khu nhà dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng, đề nghị UBND quận Hà Đông khẩn trương khắc phục những yếu kém về hạ tầng cơ sở ở khu dân cư này, bảo đảm không gian sống văn minh, hiện đại như thiết kế ban đầu và như đã hứa hẹn với người dân.