21/10/2020 8:25 AM
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm.

Thực tế, Đà Nẵng đã thực hiện khá thành công mục tiêu đó, mở ra nhiều cơ hội để thực hiện những chiến lược đột phá mới theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đang được lập quy hoạch với dự kiến nâng công suất lên 30 triệu lượt khách vào năm 2030.

Điểm nhấn hạ tầng đô thị

Nổi bật nhất trong những đổi thay về hạ tầng của Đà Nẵng là hạ tầng đô thị. Kiến trúc sư Bùi Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng nhớ lại, trước năm 1997 (thời điểm TP. Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), hạ tầng kỹ thuật ở đô thị rất yếu kém. Hạ tầng giao thông là yếu nhất bởi kết nối bờ Đông - Tây qua sông Hàn chỉ có 2 cây cầu tại một địa điểm là cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ) và cầu Trần Thị Lý (đường sắt).

Những đổi thay có thể kể từ năm 2000, khi Đà Nẵng lập quy hoạch và đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông; xác định đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước trong phát triển đô thị. “Đến năm 2008, Thành phố đã đầu tư 9 cây cầu qua sông Hàn, kết nối giao thông để phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây, các trục giao thông nội thị được đầu tư, kéo theo việc hình thành các khu đô thị mới ở khu vực vùng ven nội thành. Đồng thời, Đà Nẵng bắt đầu tích hợp và phát triển kết nối tất cả các loại hình vận tải và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật về một đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế.

Trong đó, về đường hàng không, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng có 2 nhà ga đón khách (Nhà ga T1 chuyên phục vụ các chuyến bay nội địa và Nhà ga T2 phục vụ các chuyến bay quốc tế) và đang được lập quy hoạch, nâng công suất lên 30 triệu lượt khách vào năm 2030.

Cùng với đó là ga đường sắt Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh Đà Nẵng dễ dàng kết nối với các tuyến đường 14A, 14B, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất. Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Hiện tại, Thành phố cũng xúc tiến đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển mới thêm Cảng Liên Chiểu để hình thành các khu cảng chức năng…

Hạ tầng vành đai

Khi hạ tầng đô thị đã bắt đầu phát đi những tín hiệu quá tải và thông điệp nhà đầu tư gửi đến Đà Nẵng nhiều hơn, trong khi dự báo sẽ xuất hiện những cực tăng trưởng mới ở phía Tây, Tây Bắc và phía Nam, Đà Nẵng lập tức tiếp nhận và cụ thể hóa bằng những dự án hạ tầng giao thông vành đai để mở rộng không gian đô thị, mở rộng quỹ đất và tạo ra những liên kết cứng kết nối các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, logistics và các khu khu nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Từ tuyến Nguyễn Tất Thành nối dài, sau khi hoàn thiện hạ tầng giao thông đường vành đai khu vực phía Nam (nối từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại xã Hòa Phước, chạy qua xã Hòa Tiến, nối với Quốc lộ 14B tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) với tổng chiều dài hơn 7,7 km, TP. Đà Nẵng đang tiếp tục đầu tư đường vành đai phía Tây để khớp nối với phía Nam và đường Nguyễn Tất Thành phía Tây, tạo nên hệ thống vành đai khép kín, từng bước hoàn thiện quy hoạch chi tiết theo hướng quy hoạch chung của Thành phố, tạo sự phát triển đồng đều ở các khu vực đô thị.

Tuyến vành đai phía Tây có chiều dài toàn tuyến 38,91 km, bắt đầu từ Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú và xã Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang. Trong đó, đoạn 1 có điểm nối từ nút giao Quốc lộ 14B và đường Hòa Phước - Hòa Khương đến đường trục chính Khu công nghệ thông tin tập trung. Đoạn 2 nối từ đường trục chính Khu công nghệ thông tin tập trung đến nút giao đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan.

Đặc biệt, tại khu vực này, Đà Nẵng đang đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới, hình thành nên khu phi thuế quan, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành đô thị Hòa Vang, đô thị phía Tây Tây Bắc với quỹ đất rất lớn cho các nhà đầu tư. Không những vậy, đây cũng là khu vực Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu, nhà ga hàng hóa Kim Liên, Khu phức hợp giải trí quốc tế Làng Vân…, tạo một cú hích phát triển sôi động.

Hạ tầng kết nối khu vực

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu bật việc tuân thủ thực hiện nghiêm túc Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế Chiến lược Phát triển kinh tế Thành phố đến năm 2030 và quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Đà Nẵng thu hút hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 30.873 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 212.509 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, TP. Đà Nẵng có 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 115.713 tỷ đồng và 853 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,476 tỷ USD.

Muốn vậy, theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng Tây, Tây Bắc theo hướng hình thành các khu đô thị sinh thái, đô thị xanh gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển các khu dân cư, chung cư đồng bộ với mở rộng mạng lưới vận tải công cộng, đảm bảo tính bao phủ, hiệu quả; xúc tiến đầu tư hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao.

Phát triển khu trung tâm Thành phố theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại, thí điểm tái thiết đô thị ở một số khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính một số quận, phường để tạo dư địa cho phát triển; nâng cấp, cải tạo mạng lưới giao thông nội thị gắn kết với các công trình ngầm; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa và ngầm hóa đường dây điện, cáp viễn thông trong khu đô thị, giải quyết từng bước bài toán giao thông động - tĩnh - ngầm.

Đảm bảo nguồn lực để cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nhất là tập trung cho các công trình, dự án động lực, trọng điểm. Nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất lớn để phục vụ hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư.

Đà Nẵng cũng đặc biệt nghiêm túc trong việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình lớn trên địa bàn như đầu tư bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn I; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đường hầm qua sân bay Đà Nẵng; di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; công trình vượt sông Hàn; nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 14B, 14G, 14D; đường vành đai phía Tây (đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh - giai đoạn I); nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; đường số 2 kết nối từ đường vành đai phía Nam đến Hòa Thọ Tây, Hòa Nhơn; Khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Hoàn thành tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan.

Tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường bộ liên tỉnh, hệ thống cảng biển, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý chất thải tập trung) tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phục vụ thu hút đầu tư.

  • Đà Nẵng xây dựng hình mẫu thành phố môi trường

    Đà Nẵng xây dựng hình mẫu thành phố môi trường

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” bởi Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh như vậy tại hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030 do UBND thành phố tổ chức ngày 17-10.

Hà Minh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.