19/11/2017 8:58 AM
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 6.12.2001 của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014. Đáng chú ý, TTCP đã chỉ ra trong giai đoạn này, các dự án BĐS trên khiến ngân sách nhà nước thất thu khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Theo TTCP, hầu hết các dự án ở giai đoạn này, liên ngành Hà Nội đã trình UBND thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Trong đó, tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi không đúng quy định của pháp luật như chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nước bị thất ước khoảng trên 6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở, ngành không tham mưu trình UBND TP phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, tuy nhiên vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ cho khách. Điển hình như lô đất CT 2 thuộc dự án khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư, số tiền sử dụng đất tạm tính hơn 733 tỷ đồng.

Cũng theo TTCP, tại các Quyết định số 123 năm 2001, 76 năm 2004, 87 năm 2004 của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của TP.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, phần lớn các dự án được TP cho phép cơ chế nộp tiền. Có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp cho thành phố.

Việc quản lý và sử dụng quỹ nhà ở, quỹ đất ở thu được từ các dự án đã biểu hiện sự buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm, bất cập. Có dự án còn lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số đơn vị đứng tên làm chủ đầu tư hưởng lợi không đúng quy định.

Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao: Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất; rà soát, kiểm tra lại các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; có biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm theo thẩm quyền…

Việc sai phạm thì đã rõ, các cá nhân, tổ chức liên quan rồi sẽ bị xử lý theo quy định, nhưng số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước thì không biết đến bao giờ mới xong. Vậy là, Hà Nội “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng chuồng xây có vững hay lại để mất bò tiếp thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Tiến Nguyễn (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.