Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản của Trung ương hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đến nay công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công trên toàn thành phố Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực.
Đặc biệt, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã được nâng cao, người nông dân đã gắn kết chặt chẽ với đất nông nghiệp, tạo điều kiện ổn định sản xuất, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình đô thị hóa, dân số biến động cơ học dẫn đến nhu cầu về đất phi nông nghiệp (đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng, nghĩa trang, nghĩa địa…) tăng mạnh cũng đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, sử dụng đất với nhiều biến tướng phức tạp.
Đáng lo ngại, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, hiện các hành vi như lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích đất công-đất nông nghiệp trái luật còn diễn ra dưới nhiều hình thức tại các vùng ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp.
Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm chưa được chính quyền quận, huyện, thị xã kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, triệt để đã làm cản trở đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất và gây bức xúc.
Trước thực tế nêu trên, ông Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết sẽ yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trái phép trên toàn thành phố, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình sau khi thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa.
Đặc biệt, để các kế hoạch được thực hiện minh bạch, đảm bảo yêu cầu phát triển của thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết sẽ “truy” trách nhiệm của người đứng đầu các quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết vi phạm.
“Đối với các địa phương để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đồng thời phải tạm dừng công tác điều hành cho đến khi trường hợp vi phạm được xử lý, khắc phục,” ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh./.