Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, mở rộng địa giới hành chính đã làm dân số gia tăng, số người chết trong phạm vi địa giới cũng tăng theo. Thêm vào đó việc cải táng, di dời mồ mả trong diện giải phóng mặt bằng đã làm tăng nhu cầu đất, gây sức ép lên quỹ đất nghĩa trang tập trung của thành phố. Trong khi đó, đất nghĩa trang ngày càng bị thu hẹp do người dân lấn chiếm làm nhà ở. Việc xây dựng thêm các khu chôn cất mới gặp khó khăn do sự đồng thuận của nhân dân chưa cao.
Hiện Hà Nội có 6 nghĩa trang tập trung với diện tích 104 ha là Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển, Sài Đồng, đều đã quá tải. Văn Điển đã dừng tiếp nhận hung táng từ 15/7/2010. Yên Kỳ (huyện Ba Vì) chỉ sử dụng cho cát táng, phần diện tích đất còn lại khai thác tối đa đến năm 2013. Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng, diện tích đất an táng của thành phố khoảng 8,3 ha và cũng không thể khai thác lâu dài...
Hà Nội hướng đến các nghĩa trang tập trung có cảnh quan đẹp. Ảnh: ĐL.
Theo quy hoạch nghĩa trang (định hướng quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050), Hà Nội dự kiến xây dựng mới và mở rộng 20 nghĩa trang tập trung. Ở phía Bắc có nghĩa trang huyện Đông Anh với diện tích 20 ha; Minh Phú - Sóc Sơn rộng 100 ha phục vụ nhân dân các khu đô thị huyện Đông Anh, Sóc Sơn và nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) phục vụ người dân địa bàn này.
Phía Đông sẽ xây mới nghĩa trang Trung Màu với diện tích 53 ha phục vụ các khu đô thị Long Biên, Gia Lâm. Khu vực phía Nam có Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) với diện tích 21 ha. Khu vực phía Tây có nghĩa trang tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) với diện tích 22 ha; Mai Dịch 2 (huyện Thạch Thất) với diện tích 100 ha.
Song song với xây dựng mới, thành phố sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có như Mai Dịch 1, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Văn Điển, Yên Kỳ 1, Sài Đồng.
Cũng theo quy hoạch, mỗi huyện sẽ có một khu chôn cất tập trung nên sẽ cần xây mới 9 nghĩa trang tại các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức. Mỗi xã cũng có từ 1 đến 2 nghĩa trang tùy thuộc quy mô dân số theo quy hoạch nông thôn mới.
Các nghĩa trang quy mô nhỏ, không nằm trong quy hoạch sử dụng sẽ phải đóng cửa, trồng cây xanh cách ly. Các khu chôn cất, khu mộ lẻ, dòng họ hiện có sẽ được thống kê, xác định ranh giới, xây dựng lộ trình từng bước đóng cửa và di chuyển về các nghĩa trang tập trung của xã đến năm 2020.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho xây dựng nghĩa trang đến năm 2050 là 29.700 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012–2020 sẽ là hơn 12.500 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ vốn vay ODA, ngân sách, vốn thương mại từ Quỹ hỗ trợ phát triển và các hình thức BOO, BOT, PPP.