Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, tuy nhiên, mục tiêu xóa bỏ ngập đến năm 2020, vẫn còn rất xa vời.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, với hệ thống thoát nước như hiện nay của Thủ đô khi lượng mưa từ 50 mm đến 100 mm, kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ, Hà Nội vẫn bị ngập tại 18 tuyến phố, có 170 điểm ngập trong khu dân cư.
Khu vực KEANGNAM, quận Cầu Giấy.
Từ năm 1995, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án thoát nước, nạo vét kênh mương, xây dựng các trạm bơm, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là giúp cho Hà Nội không bị ngập, khi lượng nước mưa lên tới 310 mm/2 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, các dự án chỉ cải thiện được phần nào tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn.
Tại ngõ 165, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy là điểm thường xuyên bị ngập mỗi khi trời mưa to, xung quanh có rất nhiều dự án nhà cao tầng. Tuy nhiên hệ thống thoát nước ở đây đều đổ dồn về con mương nhỏ, nước chảy đen ngòm, rác đổ bừa bãi, nhiều chỗ thắt lại chỉ còn chưa đến một mét.
Một số người dân cho biết: “Mấy hôm mưa vừa rồi nước ngập đen ngòm, ngõ ngập hết có chỗ lên tới tận bụng. Mấy gia đình còn phải đi thuê nhà nghỉ để ngủ.
Chúng tôi làm đơn kiến nghị nhiều lần, tình trạng ngập nước ở đây diễn ra cả chục năm rồi. Họ cũng xuống nhiều lần nhưng họ không biết phần gốc nó tắc ở đâu, chỉ đến dọn phần ngọn thôi thì không được. Cái gốc ở đây là dự án làm chục năm về trước họ không làm hệ thống thoát nước theo hệ thống thành phố mà họ lại đấu vào mương cũ, nhiều chỗ mương thoát nước nay chỉ nhỏ lại còn 40-50 cm thôi.
Được biết, tuyến mương thoát nước ở Ngõ 165 Cầu Giấy chảy qua địa bàn hai phường Dịch Vọng và Yên Hòa nhưng không được giao cho bên nào quản lý. Ngay cả Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cũng không được giao quản lý con mương thoát nước này. Bà Hoàng Quỳnh Hương, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp thoát nước số 2, cho biết: “Tuyến mương này do không ai quản lý nên người dân đổ rác ra rất nhiều lấp hết mương và không được nạo vét. Nếu muốn khắc phục thì cần phải giao cho đơn vị quản lý để có trách nhiệm nạo vét thì mới hết ngập khu vực này”.
Phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa.
Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua có đến 80% diện tích ao hồ của Thủ đô biến mất, nguyên nhân là do bị lấn chiếm và quá trình đô thị hóa. Cùng với đó là bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, quy hoạch thoát nước còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng ngập lụt như hiện nay.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 2, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: Hiện có nhiều dự án không quan tâm đến xây dựng hệ thống thoát nước. Lẽ ra phải làm hoàn chỉnh hạ tầng, thoát nước thì mới xây dựng các công trình khác thì nhiều đơn vị lại không thực hiện. Có trường hợp thiết kế phải làm hệ thống thoát nước rộng 4 mét nhưng chỉ làm có một nửa. Công ty luôn cử cán bộ đi giám sát, đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, nhưng đây mới chỉ là bề nổi.
“Từ trước đến nay các dự án, quy hoạch thoát nước đơn vị chúng tôi đều không được tham gia. Kiến nghị, muốn đảm bảo thoát nước thì khi các dự án triển khai nên mời đơn vị thoát nước tham gia góp ý kiến, kiểm tra giám sát việc thực hiện, tham mưu cho đơn vị thi công thì sẽ đảm đúng quy hoạch hơn và hạn chế được việc úng ngập”. - Ông Sơn nói.
Lâu nay, trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, công tác thoát nước dường như bị xem nhẹ. Phát triển đô thị vẫn nặng tư tưởng “Bóc ngắn, cắn dài”, chỉ quan tâm đến hình thức, doanh thu của các dự án mà không quan tâm đến hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước cũng chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm nên đã dẫn đến việc phát triển đô thị mà xem nhẹ việc xây dựng hệ thống thoát nước, khiến Hà Nội thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn. Giải quyết vấn đề ngập nước ở Hà Nội cần phải từ gốc của vấn đề, ngay từ những rãnh thoát nước nhỏ./.
Mạnh Phương (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.